Kể từ đầu năm 2014 đến nay, cổ phiếu này đã mất 95% giá trị và sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 27/7 tới. Trong hai ngày 25 và 26/6, lần lượt chi nhánh tại Mỹ (TK Holdings) và công ty mẹ của tập đoàn Takata đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản ở Delaware và tòa án Tokyo vì vỡ nợ lên tới hàng chục tỷ USD. Đây là vụ phá sản lớn chưa từng thấy của một nhà sản xuất Nhật Bản.
Quá sức chịu đựng
Sau gần một thập kỷ vướng vào kiện tụng và bê bối thu hồi sản phẩm lỗi, năng lực tài chính của Takata bị bào mòn dần, nợ đầm đìa các đối tác sản xuất ô tô, và như lời ông Scott Caudill, Giám đốc Tác nghiệp của TK Holdings, mọi việc đã vượt quá sức chịu đựng của công ty này. Phương án phá sản để tái cơ cấu có vẻ như là lựa chọn khả dĩ nhất vào thời điểm hiện tại.
Ước tính, tổng số nợ của Takata lên đến 1,7 nghìn tỷ Yên (tương đương 15 tỷ USD), trong khi hãng đã, đang và dự kiến sẽ thu hồi khoảng 125 triệu xe trên toàn thế giới vào năm 2019, trong đó riêng thị trường Mỹ là hơn 60 triệu xe.
Tuy nhiên, nợ nần có thể còn tiếp tục chồng chất tùy thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà sản xuất xe hơi như Honda, BMW, hay Toyota – những đối tác đã phải tự bỏ tiền ra thay thế túi khí bị lỗi do Takata sản xuất.
Túi khí an toàn của Takata từng được thị trường rất ưa chuộng cho đến khi mắc lỗi nghiêm trọng là dễ vỡ nổ và bắn ra kim loại, bị cho là dẫn tới hơn 16 ca tử vong và 180 ca chấn thương trên toàn thế giới.
Bên cạnh quyết định xin bảo hộ phá sản, Takata cũng chốt được thỏa thuận sáp nhập với nhà cung cấp phụ tùng KSS sau 16 tháng đàm phán. KSS, có trụ sở ở Mỹ và do công ty Ningbo Joyson Electronic (Trung Quốc) sở hữu, sẽ mua lại một số mảng hoạt động kinh doanh còn khả thi của Takata. Các bộ phận tham gia sản xuất túi khí sẽ được sắp xếp lại cho hiệu quả hơn và hoàn thành nốt nghĩa vụ với khách hàng và đối tác.
Hầu hết trong số 60.000 nhân viên của Takata ở 23 quốc gia, cũng như các nhà máy sản xuất ở Nhật Bản, vẫn hoạt động như bình thường để giảm thiểu việc gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Takata sẽ tiếp tục sản xuất các dòng túi khí kiểu cũ trong vòng 5 năm nữa tại các nhà máy ở Trung Quốc, Washington và Mexico, trong khi ngừng dây chuyền ở Đức.
Hồi tháng Hai vừa qua, tòa án tại Mỹ đã yêu cầu Takata bồi thường 1 tỷ USD cho các nhà sản xuất ô tô và nạn nhân của túi khí bị lỗi. Trước đó, ba cựu lãnh đạo cấp cao của hãng này cũng bị kết án vì giả mạo kết quả kiểm định.
![]() |
Hầu hết trong số 60.000 nhân viên của Takata ở 23 quốc gia, cũng như các nhà máy sản xuất ở Nhật Bản, vẫn hoạt động như bình thường để giảm thiểu việc gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Từ đỉnh cao xuống vực sâu
Túi khí sử dụng trong các mẫu xe Honda và Acura giai đoạn 2001-2003 bị cảnh báo xác suất 50% nổ vỡ sau khi bung, gây nguy hiểm trong trường hợp xe bị tai nạn va chạm.
Ngoài ra, Takata còn bị chỉ trích vì chậm trễ xử lý khủng hoảng, đơn cử như 2/3 trong số 46,2 triệu túi khí thu hồi tại Mỹ cho đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Dự kiến thủ tục bảo hộ phá sản của Takata ở Mỹ và Nhật Bản, cùng với quá trình chuyển nhượng tài sản cho KSS, sẽ hoàn tất trong quý I/2018. Trường hợp kết thúc tháng 3/2018 mà công ty chưa tái cơ cấu xong và chây ỳ trong khâu thanh toán nghĩa vụ bồi thường, Bộ Tư pháp Mỹ có thể áp dụng hình phạt nặng tay hơn.
Thành lập năm 1933, từ một công ty dệt may, Takata bắt đầu sản xuất túi khí năm 1987 và vươn lên vị trí số 2 thế giới về các sản phẩm bảo hộ, chiếm 1/3 số dây an toàn sử dụng trong ô tô trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Shigehisa Takada cho biết ông và ban lãnh đạo sẽ từ chức sau khi xác định được thời điểm tái cơ cấu bộ máy. Gia đình ông dù bây giờ vẫn còn quyền kiểm soát công ty nhưng nhiều khả năng đến lúc đó sẽ không còn là cổ đông nữa.
Hải Châu