Đây là những số liệu được nêu trong Báo cáo “Nghịch lý về sự tồn tại của giới siêu giàu” mà Tổ chức Oxfam vừa công bố, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ).
Tổ chức này cho biết, trong thời gian đại dịch và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt từ năm 2020, 26.000 tỷ USD (chiếm 63%) trong tổng số tài sản tăng thêm trên toàn cầu do nhóm 1% người giàu nhất nắm giữ. Chỉ có 16.000 tỷ USD (37%) được phân bổ cho phần còn lại của thế giới. Cứ mỗi USD mà một người trong nhóm 90% người nghèo nhất kiếm được, thì một tỷ phú đã kiếm được gần 1,7 triệu USD. Tài sản của các tỷ phú đang tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày. Số lượng và mức độ giàu có của các tỷ phú đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và làm suy yếu những thành tựu rất khó khăn mới đạt được sau 1 thập kỷ.
Theo Oxfam, tỷ phú Elon Musk chỉ phải chi trả “mức thuế thực” khoảng 3% giai đoạn 2014 đến năm 2018. |
Tài sản của các tỷ phú tăng vọt vào năm 2022 cùng lợi nhuận tăng nhanh từ năng lượng và thực phẩm. Báo cáo cho thấy 95 tập đoàn thực phẩm và năng lượng đã thu về mức lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2022. Họ đã kiếm được 306 tỷ USD lợi nhuận bất thường và chi trả 257 tỷ USD (84%) từ khoản lợi nhuận đó cho các cổ đông giàu có.
Điển hình, khối tài sản của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, chủ sở hữu của các tập đoàn năng lượng lớn, đã tăng 42 tỷ USD (46%) chỉ riêng trong năm 2022. Siêu lợi nhuận của các tập đoàn đã thúc đẩy ít nhất 50% lạm phát ở Úc, Mỹ và Anh.
Kể từ năm 2020, nhóm 1% người giàu nhất đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42.000 tỷ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số nghèo nhất thế giới. Trong 10 năm qua, nhóm 1% người giàu nhất đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới
Oxfam kêu gọi tăng thuế một cách có hệ thống và trên diện rộng đối với nhóm siêu giàu để thu lại những khoản lợi nhuận trong đại dịch thu được từ đầu tư công. Nhiều thập kỷ cắt giảm thuế cho nhóm người giàu nhất và các tập đoàn đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, khi những người nghèo nhất ở nhiều quốc gia phải trả mức thuế cao hơn các tỷ phú.
Elon Musk, một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, chỉ phải chi trả “mức thuế thực” khoảng 3% giai đoạn 2014 đến năm 2018. Ngược lại, Aber Christine, một người bán bột mì ở Uganda, kiếm được 80 USD một tháng phải chi trả mức thuế 40%.
Tổ chức này tính toán rằng nếu áp thuế tới 5% đối với các triệu phú và tỷ phú thì các chính phủ có thể thu về 1.700 tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói.
Thế nhưng, theo Oxfam, nhiều chính phủ đang cắt giảm thuế, tạo ra các “thiên đường thuế” cho đa số triệu phú, tỷ phú và các tập đoàn giàu có cất giấu tài sản của họ. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng mà người dân phải trả lại tăng. Điều này khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn khi phải đối mặt với khủng hoảng về giá cả sinh hoạt và nhiên liệu liên tiếp kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát.
Bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam quốc tế chia sẻ, việc đánh thuế nhóm siêu giàu và các tập đoàn lớn sẽ là lối thoát cho tình trạng đa khủng hoảng hiện nay. 40 năm cắt giảm thuế cho giới siêu giàu đã cho thấy "thủy triều không đỡ mọi loại thuyền, nó chỉ nâng các siêu du thuyền cao hơn mà thôi”.
Thanh Hoa