Khoảng 1/4 trong tổng số 4.000 nhân viên cấp quản lý của Standard Chartered sẽ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 11 tới, trong đó có cả những người đang giữ các chức vụ giám đốc và thậm chí cao hơn thế.
Tiễn người đi, tìm người đến
Thông cáo của Stanchart cho biết: "Nâng cao hiệu quả hoạt động là vấn đề ưu tiên và chúng tôi không định đứng yên một chỗ. Về số lượng nhân viên, chúng tôi từng nói trước đây rằng sẽ có những thay đổi nhân sự khi đơn giản hóa cơ cấu tổ chức".
Động thái của Standard Chartered diễn ra trong bối cảnh giới ngân hàng châu Âu đang đau đầu với tốc độ tăng trưởng ì ạch ở thị trường trong nước, chưa kể các quy định khắt khe hơn về vốn của cơ quan quản lý.
Những vấn đề này cộng gộp với nhiều yếu tố bên ngoài khác như rủi ro tăng trưởng của Trung Quốc, lãi suất của Mỹ và biến động giá cả hàng hóa toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Trong khi đó, những đối thủ đến từ Mỹ đang "vào phom", tranh thủ đẩy mạnh kinh doanh và giành được khách hàng khỏi tay các ngân hàng châu Âu.
![]() |
Nhiều nhân sự cấp cao của Standard Chartered sẽ phải "ra đi"
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Standard Chartered mở rộng hoạt động khá nhanh chóng và bộ máy nhân sự vì thế cũng phình ra tới 86.000 người trên toàn thế giới. Giờ đây, giống như nhiều ngân hàng châu Âu khác, Standard Chartered đang phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh của mình, để làm sao tăng được lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, còn hệ thống quy định thì ngày càng thắt chặt.
Một áp lực nữa dành cho Standard Chartered đến từ sự chững lại của các thị trường mới nổi và giá hàng hóa lao dốc. Giám đốc điều hành - Bill Winters đang tìm phương án để khỏi phải huy động tăng vốn chủ sở hữu, khi mà cổ phiếu ngân hàng này mất giá mạnh thời gian qua. Tháng 8 vừa rồi, Standard Chartered đã quyết định giảm một nửa cổ tức và CEO Winters cũng cân nhắc rà soát hoạt động bán lẻ tại Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Những gói tín dụng liên quan đến hàng hóa đều bị hạn chế tối đa.
Ông Winters, từng là một giám đốc tại JPMorgan, nhắc nhở nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng một phép màu nào đó có thể lập tức khắc phục mọi vấn đề mà Standard Chartered vướng vào nhiều năm qua. Ông dự kiến công bố kế hoạch chiến lược của mình vào cuối năm nay, rất có thể sau khi kết thúc báo cáo quý III vào đầu tháng 11.
Làn sóng tinh giản biên chế
Đây không phải lần đầu tiên những lãnh đạo cấp cao rời bỏ Standard Chartered. V. Shankar, một "cây đa cây đề", có 13 năm gắn bó, phụ trách hoạt động tại châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ, đã ra đi cùng với Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Jaspal Bindra.
Sắp sửa kết thúc hợp đồng với 1.000 nhân sự cao cấp nhưng đồng thời Standard Chartered vẫn đang tìm nguồn bên ngoài cho một số vị trí, trong đó có phụ trách khách hàng doanh nghiệp, giám đốc quản trị rủi ro và giám đốc pháp chế. Đặc biệt, người kế nhiệm chủ tịch John Peace sau khi ông từ chức kể từ năm 2016 vẫn chưa được xác định.
Làn sóng cắt giảm việc làm đang tràn qua nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu khi một loạt đại gia như Deutsche Bank, HSBC, Royal Bank of Scotland và Barclays thanh lý hàng ngàn hợp đồng để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong khi Royal Bank of Scotland và Credit Suisse dự kiến sẽ thu nhỏ quy mô bộ phận ngân hàng đầu tư thì tại Deutsche Bank, khoảng 18.000 nhân viên sẽ phải đi tìm công việc mới khi ngân hàng dừng hoạt động bán lẻ Postbank trong những năm tới. Nếu cuộc họp hoạch định chiến lược cuối tháng này quyết định bộ phận ngân hàng đầu tư cũng phải giải tán luôn, thì con số mất việc làm còn cao hơn nữa.
Ông John McFarlane, Tân Chủ tịch Barclays, từng cho biết cách đây 2 tháng rằng ngân hàng này sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là dịch vụ ngân hàng đầu tư ở Mỹ và Anh, chứ không còn đủ nguồn lực để cạnh tranh trên toàn cầu với các ngân hàng đầu tư của Mỹ nữa.
Hùng Anh