Indonesia - nước sản xuất và chế biến sôcôla hàng đầu khu vực châu Á, đã nhập khẩu kỷ lục khoảng 240.000 tấn hạt ca cao vào năm ngoái và có thể mua nhiều hơn thế trong năm 2019, theo ông Piter Jasman - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ca cao của nước này. Malaysia cũng tăng 10% hàng nhập khẩu, lên 345.000 tấn trong năm ngoái.
Cầu tăng, cung giảm
Sản lượng hạt ca cao ở Indonesia đã giảm một nửa trong thập kỷ qua trong bối cảnh dịch bệnh và cây trồng hết giá trị khai thác và người nông dân muốn chuyển sang loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn. Điều đó đã khiến Indonesia trở thành nước nhập khẩu ròng hạt ca cao từ các nước xuất khẩu lớn, với khối lượng nhập tăng hơn gấp đôi trong năm năm.
Thực trạng tương tự cũng diễn ra ở Malaysia khi với sản lượng giảm xuống dưới 1.000 tấn so với mức 100.000 tấn trước đó hai thập kỷ bởi nông dân chuyển sang sản xuất dầu cọ.
Sự sụt giảm nghiêm trọng này đã buộc các đơn vị chế biến phải đi thu mua hạt ca cao ở những địa bàn khác; một trong số đó - hãng sản xuất ca cao lớn nhất châu Á Guan Chong Bhd., đang nghĩ đến việc di chuyển các nhà máy đến gần hơn với người trồng ca cao ở châu Phi hoặc Nam Mỹ.
Quay lại với Indonesia, kế hoạch “phục hưng” ngành công nghiệp này cần một chương trình tầm cỡ quốc gia để tăng sản lượng hạt ca cao lên 600.000 tấn vào năm 2024 - theo Hiệp hội ca cao nước này.
“Hy vọng không có sự sụt giảm nào nữa về sản lượng vì Bộ Nông nghiệp đang tài trợ cho một chương trình hỗ trợ nông dân bằng phân bón đặc biệt và hạt giống tốt hơn”, theo lời ông Jasman - người đồng thời là nhà sáng lập PT Bumitangerang Mesindotama (hay còn gọi là BT Cocoa) - công ty lớn nhất Indonesia trong lĩnh vực này.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã và đang đầu tư vào Indonesia để tranh thủ nhu cầu ngày càng tăng của châu Á. Mới đây nhất là Olam International Ltd, công ty đã chi 90 triệu USD hồi đầu năm nay để mua BT Cocoa. Đến năm 2020, châu Á dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất thế giới về bột ca cao, vốn được sử dụng trong nhiều sản phẩm như bánh quy, đồ uống sôcôla và kem.
![]() |
Sản lượng hạt ca cao ở Indonesia đã giảm một nửa trong thập kỷ qua |
Rào cản về thủ tục
Năng lực chế biến hạt ca cao ở châu Á đã tăng hơn 25% trong 4 năm qua lên khoảng 780.000 tấn trong năm 2018, theo Hiệp hội Ca cao châu Á, sau khi tổng hợp dữ liệu từ Malaysia, Singapore và Indonesia. Tổ chức này nhận định rằng đối tượng khách hàng dư dả đang tiêu thụ nhiều hơn các loại bánh kẹo và đồ uống sôcôla.
Thị trường châu Á cho bánh kẹo sôcôla đạt tốc độ tăng trưởng gộp là 5% mỗi năm trong 5 năm qua, khi tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực được cải thiện và dân số thì tăng lên, theo nhận định của chuyên gia tại Euromonitor International.
Xu hướng gia tăng nhu cầu ca cao và sôcôla này còn được khẳng định bởi các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia ở Malaysia như Nestlé SA với kế hoạch xây dựng nhà máy Milo lớn nhất thế giới tại Negri Sembilan, hay nhà máy bánh kẹo mới của The Hershey Company ở Johor.
Giám đốc điều hành của Guan Chong Brandon Tay cho biết các khoản đầu tư tương tự trong tương lai, ngoài nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng ca cao ước tính trị giá 10 tỷ USD ở Malaysia trong tương lai.
“Để đáp ứng một thị trường lớn như vậy đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn, không chỉ từ người nông dân mà còn từ các ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này sẽ tiếp tục góp phần tạo ra nhiều việc làm chuyên môn cao và cơ hội kinh doanh tuyệt vời”, ông Tay cho biết. Vị này cho rằng Malaysia có khí hậu phù hợp cho canh tác ca cao và từng là 1 trong 3 nước sản xuất hạt ca cao hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số vướng mắc, ví dụ như quá nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê trong quá trình mua sắm nguyên liệu thô và xuất khẩu nguyên liệu ca cao, gây cản trở hiệu quả của chuỗi cung ứng cũng như quá trình sản xuất.
Hải Châu