Sẽ có “cú sốc điện” của EU với nguồn thu của kinh tế số?
Ông Moscovici nhận định đề xuất trên sẽ tạo ra một “cú sốc điện” đối với việc đánh thuế vào nguồn thu của kinh tế số.
Theo luật của EU, những “gã khổng lồ” trong làng công nghệ như Google và Facebook có thể lựa chọn để báo cáo thu nhập tại bất cứ quốc gia thành viên nào trong khối. Quy định này đã khiến nhiều tập đoàn chọn các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg để đóng thuế.
Theo một ước tính năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy định trên khiến các chính phủ trên thế giới thất thu tới 240 tỷ USD (193 tỷ Euro)/năm.
Theo ông Moscovici, để xác định được hoạt động của các tập đoàn công nghệ, châu Âu cần một loạt chỉ số từ số lượt tương tác, số lượng địa chỉ IP, số lượng quảng cáo và doanh thu. Với các chỉ số này, các nhà chức trách có thể tìm ra phương án để tính thuế.
Ông Moscovici cho hay, các quy định mới sẽ được áp dụng cho các tập đoàn lớn như Google, Apple, Facebook, Amazon và các đơn vị cung cấp dịch vụ như AirBnB và Booking.com.
Ông Moscovici nhấn mạnh thêm rằng mức thuế trung bình các tập đoàn công nghệ đang đóng tại châu Âu là 9%, thấp hơn nhiều mức thuế doanh nghiệp trung bình 23%.
Tại châu Âu, xung đột lợi ích đang cản trở nỗ lực của các nước nhằm xây dựng một chính sách thuế thống nhất. Pháp là nước dành nhiều nỗ lực nhất để tăng thuế tại EU đối với các tập đoàn công nghệ. Trong khi đó, các nước thành viên EU nhỏ hơn, là nơi có thuế suất thấp cho các tập đoàn lớn, khẳng định EU chỉ nên tiếp cận vấn đề trên một cấp độ quốc tế rộng hơn.
Các nước thành viên thuộc OECD hiện cũng đang đàm phán về cách tiếp cận riêng trong việc đánh thuế các công ty số với hy vọng đưa ra được một đề xuất chính thức trong năm 2018.
Lê Minh