Với vị trí thuận lợi ở ngay cửa ngõ của thành phố và rất gần trung tâm tài chính, sân bay London thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển bằng đường không trên toàn thế giới đang tăng vọt.
Một tài sản nhiều hứa hẹn
Đầu tiên là sự liên kết giữa công ty bảo hiểm Đức Allianz với Borealis Infrastructure, một quỹ hưu trí của Canada. "Cặp đôi" này đã hợp tác ăn ý với nhau trong nhiều dự án trước đó. Điển hình la việc mới đây "cặp đôi" đã tham gia mua lại chuỗi trạm dịch vụ đường cao tốc hàng đầu của Đức, Tank & Rast, với mức giá khoảng 3,5 tỷ EUR.
Trong khi đó, Ontario Teachers Pension Plan bắt tay với Wren House Infrastructure Management, một công ty thành viên của Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA), để tham dự thầu. Ontario Teachers là một nhà đầu tư có tiếng tại nhiều sân bay và đang sở hữu sân bay Birmingham và Bristol ở Anh, cũng như sân bay Brussels và Copenhagen. Tập đoàn này mới đây tỏ ra quan tâm tới việc mở rộng tại London.
Nhà đầu tư tiềm năng thứ ba, dự kiến là liên minh Canada Pension Plan Investment Board và quỹ hưu trí PSP.
![]() |
Sân bay London City là biểu tượng về khả năng phục hồi của London
Chủ sở hữu của sân bay London City từ năm 2006 tới nay, Global Infrastructure Partners (GIP) - một quỹ đầu tư của Mỹ, còn nắm giữ cổ phần ở 2 sân bay khác là Gatwick và Edinburgh. Cách đây hơn 3 tháng, GIP lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch bán sân bay London City và sau đó là khoảng thời gian thuê tư vấn để tiến hành các thủ tục cần thiết.
Là biểu tượng về khả năng phục hồi của London, với tư cách là một trung tâm tài chính kinh doanh toàn cầu, sân bay London đã tiếp đón lượng hành khách tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 2 triệu năm 2005 lên khoảng 4,2 triệu trong năm nay, bất chấp khủng hoảng tài chính. Sân bay này luôn tập trung đẩy nhanh tốc độ phục vụ để hành khách không phải xếp hàng dài chờ đợi lâu và có một trung tâm riêng giúp rút ngắn thời gian quá cảnh xuống còn có vài phút.
Hàng hiếm hút khách
GIP không công bố báo cáo tài chính của sân bay London City, song theo một số tính toán, thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) rơi vào khoảng 50 - 100 triệu bảng Anh trong năm 2014, cho dù có ý kiến cho rằng EBITDA sau khi điều chỉnh có thể còn cao hơn nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa mức giá bán dự kiến 2 tỷ bảng Anh tương đương 20 - 40 lần EBITDA.
Năm 2006, GIP mua sân bay London với chi phí xấp xỉ 750 triệu bảng Anh từ Dermot Desmond, một chuyên gia tài chính Ireland, người trước đó chỉ phải bỏ ra 23,5 triệu bảng Anh để thuyết phục tập đoàn xây dựng Mowlem (Anh) nhượng lại.
Tuy nhiên, giá trị của sân bay London có thể bị ảnh hưởng, bởi rắc rối pháp lý liên quan đến quá trình xin phép mở rộng năng lực, dự kiến ngốn tổng cộng 200 triệu bảng Anh, nhằm tăng lưu lượng hành khách lên 6 triệu vào năm 2023.
Tháng 2/2015, kế hoạch trên được cấp phép bởi Hội đồng Newham, nhưng sau đó 1 tháng lại bị thị trưởng London - ông Boris Johnson, ngăn cản vì lo ngại tiếng ồn. Sân bay London City đang kháng nghị quyết định của thị trưởng và chờ đợi kết quả trong năm 2016.
Nếu đơn xin cấp phép được thông qua, sân bay London có thể mở rộng diện tích, cũng như xây dựng thêm một đường băng mới, thêm nhiều chỗ đỗ máy bay mới và thêm cả nhà ga đón chuyến tới. Đây cũng là cơ hội để sân bay này tăng kết nối với các điểm đến mới như vùng Vịnh, Trung Đông, Nga, Bắc Phi và bờ biển phía Đông của Mỹ.
Trước đó, sân bay London đã được cấp phép tăng số lượng chuyến bay từ 70.000 lên 120.000 mỗi năm.
Ông Michael McGhee, Giám đốc phụ trách lĩnh vực giao thông của GIP, tin tưởng các điều kiện thị trường đang rất thuận lợi cho việc bán sân bay London, bởi "nhu cầu thị trường đối với các sân bay chất lượng là rất cao".
Trong bối cảnh không có nhiều sân bay được rao bán, ông McGhee nhận định sân bay London sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chất lượng với những lời đề nghị hấp dẫn. Vị Giám đốc này cũng không quên nhấn mạnh sân bay London chính là tài sản mà GIP nắm giữ lâu nhất. GIP hiện sở hữu 75% sân bay London, trong khi phần còn lại thuộc về Oaktree Capital và cả hai đều đồng thuận việc thoái vốn.
Hùng Anh