Có thể nói, ASEAN là khu vực phát triển năng động, với dân số trẻ, lượng người dùng internet lớn, có khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ, ASEAN hứa hẹn là khu vực phát triển mạnh về thương mại số trong tương lai.
Quy mô nền kinh tế internet của ASEAN dự kiến tăng khoảng 20% đạt mức 194 tỷ USD năm 2022, tăng gần gấp đôi chỉ trong giai đoạn 3 năm từ 2019-2022. |
Là nước chủ trì thực hiện một trong các sáng kiến thuộc Chương trình làm việc của Nhóm công tác về tiêu chuẩn thương mại số về tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển và tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cho các ngành và doanh nghiệp, ngày 15/12, Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về tiêu chuẩn thương mại số với mục tiêu nâng cao nhận thức về nội dung rất mới là “Tiêu chuẩn thương mại số”.
Đây là bước đầu tiên nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn thương mại số dưới nhiều góc độ, xây dựng nền tảng kiến thức giúp họ ứng dụng hiệu quả tiêu chuẩn thương mại số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thực tế, thương mại số đang và sẽ tăng cường mạnh mẽ thương mại trong ASEAN. Nếu hình thành các tiêu chuẩn chung có thể giúp thúc đẩy hơn nữa thương mại của khu vực.
Các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận sẽ là giải pháp thay thế hiệu quả hơn so với các quy định pháp luật, bởi những quy định pháp luật thường mất nhiều thời gian để thấy được hiệu quả từ thực tiễn. Điều này cho phép các nền kinh tế của các quốc gia thành viên sẵn sàng tham gia các chuỗi cung ứng khác nhau mà không cần điều chỉnh, sửa đổi tuân thủ.
“Các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận cho phép một doanh nghiệp kết hợp hoạt động từ địa phương này sang địa phương khác mà không cần phải điều chỉnh phương pháp, mô hình, thực tiễn kinh doanh”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Về tổng thể, các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận có lợi cho toàn bộ khu vực ASEAN, giúp khu vực phát triển quan hệ thương mại với các nền kinh tế trong và ngoài ASEAN.
Tuy nhiên, để có thể tối đa hóa lợi ích từ tiềm năng tăng trưởng to lớn của thương mại số, bà Việt Anh cho rằng ASEAN và từng quốc gia thành viên sẽ cần xem xét thương mại dưới góc độ tiếp cận khu vực toàn diện. Các quốc gia thành viên nên thúc đẩy chính sách trong nước, tăng cường khả năng tương tác để hoàn thành giao dịch xuyên biên giới, giảm các rào cản đối với thương mại thông qua số hóa.
“ASEAN không nên phát triển các hệ thống kỹ thuật khác nhau không thể tương thích với nhau hoặc khác các khuôn khổ quy định và quản trị tạo ra sự không tương thích trong toàn khu vực và với các đối tác thương mại khác. Theo đó, ASEAN nên xem xét đến các tiêu chuẩn chung và sự hài hòa tiêu chuẩn với từng quốc gia thành viên và toàn khu vực đối với thương mại số”, bà Việt Anh nhấn mạnh.
L. Thúy