Cổ phiếu Qualcomm sau đó tăng 1,8% lên mức 65,74 USD, trong khi Broadcom giảm 0,4% còn 263,95 USD.
Bất ngờ và không bất ngờ
Cách đây một tuần, Broadcom đã gửi tới Qualcomm lời đề nghị mua lại, với trị giá 103 tỷ USD, mục tiêu tạo ra một “gã khổng lồ” mới thống trị thị trường chip điện thoại, một thiết bị nhỏ bé nhưng là trái tim của hơn 1,5 tỷ smartphone dự kiến bán ra trên toàn cầu trong năm nay.
Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp bán dẫn, bỏ xa thương vụ Dell chi ra 67 tỷ USD để thâu tóm EMC vào năm 2015.
Theo đề nghị của Broadcom, cổ đông của Qualcomm sẽ nhận được 60 USD tiền mặt và 10 USD cho mỗi cổ phiếu của Broadcom. Nếu tính gộp cả các khoản nợ, tổng giá trị giao dịch trên có thể lên tới 130 tỷ USD.
Tuy nhiên, Qualcomm mới đây đã chính thức từ chối lời đề nghị trên. Một trong số các lý do đưa ra là giá đó còn quá rẻ nếu xét tới vị thế và tình hình hoạt động hiện nay của tập đoàn này.
Qualcomm hiện là nhà cung cấp chủ lực các sản phẩm chip điện tử cho hầu hết các thương hiệu điện thoại thông mình đình đám nhất trên thị trường hiện nay, bao gồm cả Apple hay Samsung.
Bên cạnh đó, Qualcomm còn sản xuất chip phục vụ hệ thống tiện ích thông tin giải trí trên ôtô và giúp sạc không dây cho xe chạy điện, cung cấp chip cho các nhà mạng di động để phục vụ dữ liệu băng thông rộng và dữ liệu di động.
![]() |
Qualcomm hiện là nhà cung cấp chủ lực các sản phẩm chip điện tử cho hầu hết các thương hiệu điện thoại thông minh
Tình hình tài chính của Qualcomm cũng tương đối dư dả, chứ không gặp khó khăn gì về nợ nần, hay thanh khoản. Tính tại thời điểm ngày 24/9, trong tài khoản Qualcomm có tới 35,03 tỷ USD tiền mặt.
Trả lời phỏng vấn Reuters, chuyên gia phân tích Betsy Van Hees của Loop Capital cho rằng lời từ chối của Qualcomm không có gì bất ngờ. Điều bất ngờ, nếu có, chỉ là tình huống Broadcom bỏ cuộc ngay từ giai đoạn này.
Broadcom đã lường trước được phản ứng của Qualcomm và cho biết sẽ làm việc kỹ hơn với ban lãnh đạo của Qualcomm, đồng thời khẳng định đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía khách hàng quan trọng và các bên liên quan: “Chúng tôi vẫn tin rằng đề xuất đó là sự lựa chọn hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị nhất cho cổ đông của Qualcomm”.
Kiên trì dĩ hòa vi quý
Dự luận cho rằng Broadcom sau đây sẽ triển khai phương án B, vận động hành lang cổ đông Qualcomm “phế truất” hội đồng quản trị hiện tại để mở đường thâu tóm. Bản thân quy chế nội bộ của Qualcomm cũng cho phép Broadcom đề xuất toàn bộ 11 thành viên hội đồng quản trị mới trước thời hạn 7/12.
Tuy nhiên, kiên trì với phương án A xem ra vẫn hòa hảo hơn, tức là tiếp tục thuyết phục hội đồng quản trị Qualcomm thay đổi ý định, đồng thời Broadcom chấp nhận nâng giá. Giám đốc điều hành Broadcom Hock Tan từng nói: “Chúng tôi biết mình có những lựa chọn gì và vẫn chưa loại bỏ bất kỳ phương án nào”. Một số ý kiến cho rằng mức giá hợp lý của Qualcomm có thể dao động 80 – 85 USD/cổ phiếu.
Về khả năng thu xếp vốn, Broadcom cho biết các tổ chức tài chính như Bank of America Merrill Lynch, Citi, Deutsche Bank, JP Morgan và Morgan Stanley đều tự tin có thể hỗ trợ.
Bản thân Broadcom có trong tay 5,25 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền (tính đến cuối tháng 7/2017); ngoài ra còn được quỹ Silver Lake Partners, cũng là một nhà đầu tư của Broadcom, cam kết hỗ trợ 5 tỷ USD.
Một thông tin liên quan đáng chú ý xung quanh vụ việc này là Qualcomm cũng đang trong quá trình hoàn tất thương vụ mua lại NXP Semiconductors trị giá 38 tỷ USD đã xúc tiến từ năm ngoái.
Nếu Broadcom thành công trong việc thâu tóm Qualcomm thì Broadcom, Qualcomm và NXP sẽ chi phối hoàn toàn thị trường modem, Wi-Fi, GPS và các chip giao tiếp trường gần (NFC).
Thương vụ này đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan quản lý chống độc quyền. Broadcom khẳng định sẽ vẫn theo đuổi Qualcomm, cho dù Qualcomm có mua được NXP hay không.
Hải Châu