Tuy nhiên, muốn “truất ngôi” của London thì Paris phải vượt qua hàng loạt đối thủ cạnh tranh khác, như Frankfurt, Dublin, Luxembourg hay Amsterdam.
Sức hấp dẫn của nước Pháp
Giảm thuế thu nhập tới 50%, tăng thời gian miễn thuế đối với tài sản nước ngoài từ 5 năm lên 8 năm, gia hạn thời gian giãn thuế doanh nghiệp tới hết năm 2017, cho phép khấu trừ chi phí nghiên cứu phát triển khỏi thu nhập chịu thuế… là những gạch đầu dòng trong chính sách “mồi” mà nước Pháp sẽ áp dụng, để “câu” nhà đầu tư ngoại nói chung và ngân hàng Anh nói riêng.
Thủ tướng Pháp - ông Manuel Valls, khẳng định cả châu Âu sẽ chẳng có nước nào có thể chế tài chính hào phóng được như thế và việc “Paris trở thành một trung tâm tài chính chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của nước Pháp”. Trước giới phóng viên, ông Valls còn trêu: “Nhờ các bạn nói với báo chí Anh rằng mức thuế suất 75% không còn áp dụng nữa”.
Tất cả những quyết sách trên của chính phủ Pháp làm nhiều người liên tưởng tới hoàn cảnh trái ngược diễn ra năm 2012. Thời điểm đó, sau khi Tổng thống Francois Hollande công bố chính sách thuế thu nhập tạm thời 75%, Thủ tướng Anh David Cameron ngay lập tức hứa hẹn sẽ “trải thảm đỏ” cho các ngân hàng Pháp vào Anh hoạt động.
Vũ trụ xoay vần, giờ thì tới lượt Paris tìm cách lôi kéo các ông chủ ngân hàng London và gia đình, bằng câu khẩu hiệu: “Chào mừng đến với châu Âu”. Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ Frankfurt, Dublin, Luxembourg hay Amsterdam, Thủ tướng Pháp quyết định phải “tấn công dồn dập”, chứ không thể đủng đỉnh, cho dù Anh vẫn còn tư cách thành viên EU.
Bên cạnh chính sách thuế ưu đãi, Pháp còn thiết lập đầu mối tư vấn hỗ trợ những doanh nghiệp đang đắn đo liệu có nên chuyển đến Pháp hay không.
![]() |
Paris sẵn sàng để trở thành trung tâm tài chính mới của cả châu Âu
Mọi loại thông tin, từ văn phòng cho thuê cho tới trường học dành cho con em cán bộ nhân viên, đều sẵn sàng cung cấp cho ai muốn tìm hiểu về điều kiện sống và làm việc ở Pháp. Tổng thống Valls tuyên bố, sang năm 2017, sẽ mở thêm nhiều lớp học quốc tế tùy theo nhu cầu.
Hiểu được điểm trừ của mình là thuế suất cao và luật lao động cứng nhắc, Pháp đã khéo “PR” theo hướng xoáy vào những thế mạnh sẵn có, như cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chất lượng đào tạo tốt và một môi trường văn hóa sôi động đa sắc màu.
Cuộc đua ngầm sau lưng nước Anh
Việc đứng ra vận động nhà đầu tư chuyển sang Pháp “lập nghiệp” đánh dấu sự đoàn kết hiếm thấy giữa các phe phái chính trị và cộng đồng doanh nghiệp nước này. Thủ tướng Pháp nói rằng việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU là sự kiện đáng tiếc nhưng “đây là cuộc cạnh tranh” và Paris cần sẵn sàng tận dụng cơ hội để “trở thành thị trường tài chính trọng điểm của cả châu Âu”.
Sự nhiệt tình mời gọi doanh nghiệp từ London cho thấy Pháp phản ứng nhanh như thế nào trong việc tranh thủ thời điểm nhiễu loạn hậu Brexit, cho dù tối thiểu là 2 năm nữa thì Anh mới chính thức rời khỏi EU.
Cùng với nhiều nước châu Âu khác, chính phủ Pháp thậm chí còn thúc giục Anh nhanh chóng hoàn tất thủ tục và tuyên bố thẳng thừng rằng nước Anh không có quyền tiếp cận thị trường chung EU, nhất là trong lĩnh vực tài chính, nếu chính phủ Anh không tuân thủ luật chơi của EU. Thái độ dứt khoát đó có thể tác động tới cộng đồng doanh nghiệp, buộc họ phải sớm quyết định chuyển sang nước EU khác, nhằm tiếp tục được tham gia thị trường EU một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, để lôi kéo được nhà đầu tư nói chung và doanh nghiệp Anh nói riêng, Paris đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Frankfurt, nơi có trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu, đã xây dựng một trang web và đường dây nóng để hỗ trợ những cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu thông tin.
Cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Ireland thì gửi thư cho hơn 1.000 nhà đầu tư để thuyết phục. Đảng Dân chủ Tự do của Đức, vốn có xu hướng ủng hộ giới doanh nghiệp, không ngần ngại chi tiền cho một chiếc xe tải đầy màu sắc chạy khắp London với câu khẩu hiệu: “Các bạn khởi nghiệp thân mến, cứ bình tĩnh và đến với Berlin đi”.
Hải Châu