Đây được xem là cú hích đối với các công ty tái chế Pháp như Veolia hay Suez sau một thời gian dài mong mỏi những chính sách như vậy.
Trả lời phỏng vấn tờ nhật báo “Le Journal du Dimanche” (JDD), Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Pháp Brune Poirson cho hay theo kế hoạch mới, các sản phẩm đóng gói bằng nhựa tái chế sẽ có giá thành giảm tới 10% trong khi các sản phẩm đóng gói bằng nhựa không tái chế sẽ tăng thêm 10%. Chính phủ nước này cũng có kế hoạch tăng thuế các hoạt động chôn lấp rác, trong khi giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động tái chế.
Khuyến khích tái chế
“Khi có sự lựa chọn giữa hai chai, một chai được làm bằng nhựa tái chế và loại kia thì không, việc đầu tiên để người ta lựa chọn sẽ là cái rẻ hơn”, bà Poirson cho biết. Tuy thời gian thực hiện chưa được công bố cụ thể, song bà Poirson khẳng định vào đầu năm 2019 chính phủ sẽ bổ sung thêm nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Bà Poirson còn nhận định chỉ “tuyên chiến” với nhựa thôi là chưa đủ, mà nước Pháp cần phải chuyển đổi cả nền kinh tế.
Chịu tác động trực tiếp từ chính sách mới, đại diện liên đoàn các nhà sản xuất bao bì nhựa Elipso - ông Emmanuel Guichard, tỏ ra dè dặt trong phát ngôn.
“Chúng ta hoàn toàn có khả năng cung cấp cho người tiêu dùng thêm lựa chọn về sản phẩm chai đựng. Nhưng đừng quên rằng còn nhiều sản phẩm nhựa khác, như vỏ hộp sữa chua vẫn chưa thể dùng nhựa tái chế”.
Ở “phe” ngược lại, bà Flore Berlingen - thuộc Hiệp hội Zero Waste France, hy vọng các doanh nghiệp tuân thủ quy định để khách hàng không phải là những người chịu thiệt.
Chính phủ Pháp hồi năm 2016 từng ra lệnh cấm sử dụng các ống hút, cốc và đĩa nhựa bắt đầu từ tháng 1/2020. Nhưng ý tưởng hoàn tiền cho khách hàng đem trả lại vỏ chai nhựa, như một số nước châu Âu đã làm, thì không được chính phủ hiện tại của Tổng thống Emmanuel Macron thông qua.
Khi được hỏi liệu có thể trông chờ vào sự tự giác của ngành công nghiệp nhựa để nước Pháp hoàn thành được mục tiêu tái chế nhựa 100% vào năm 2025 mà ông Macron cam kết hay không, bà Poirson cho rằng mọi việc đều cần có thời gian, nếu quá nóng vội áp đặt chính sách thì rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực. “Nếu trong 2 năm tới không có tiến triển gì, chúng tôi sẽ đưa ra quy định chặt chẽ”, bà Poirson nói.
Khối lượng nhựa tích tụ sẽ nhiều hơn cá trong các đại dương vào năm 2050 |
Thay đổi từng bước
Theo dữ liệu thống kê của Eurostat, tỷ lệ chất thải nhựa được tái chế ở Pháp chỉ đạt 25,5%, đứng thứ hai từ dưới lên ở châu Âu. Con số này là khoảng 50% ở Đức và Hà Lan.
Theo ông Michel Edouard Leclerc - Giám đốc điều hành E.Leclerc (nhà bán lẻ hàng đầu của Pháp), để nghiêm túc tuân thủ lệnh cấm các sản phẩm nhựa trên bàn ăn (đĩa, dao, dĩa…) vào năm 2020, hệ thống cửa hàng của ông sẽ ngừng kinh doanh những mặt hàng đó ngay từ cuối quý I/2019 để thay bằng các sản phẩm dùng nhiều lần hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường hơn như các tông hoặc tre.
Ông Leclerc cũng đang thử nghiệm tại một số cửa hàng tại miền bắc nước Pháp chương trình tích lũy điểm thưởng cho những khách hàng mang trả chai nhựa hoặc chai thủy tinh.
Hiện nay, các nhà sản xuất mặt hàng nhựa của Pháp đang sử dụng ngày càng nhiều nhựa tái chế làm nguyên liệu, nhưng chưa thể xem đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu bởi nguồn cung không ổn định và không thể đáp ứng nhu cầu về sản phẩm nhựa ngày càng tăng ở Pháp (khoảng 4,9 triệu tấn vào năm ngoái, trong đó một nửa dùng làm bao bì). Đó là chưa kể chi phí nhập nhựa tái chế cao hơn nhựa “mới tinh” - một sản phẩm từ quá trình hóa dầu.
Trên thế giới, ước tính chỉ có 14% nhựa được thu gom để tái chế. Tỷ lệ tái sử dụng đồ nhựa khá khiêm tốn so với các vật liệu khác (giấy là 58%, sắt và thép là 90%). Nghiên cứu cho thấy khối lượng nhựa tích tụ sẽ nhiều hơn cá trong các đại dương vào năm 2050.
Hải Châu