Như một cách để thể hiện tình hình tài chính đang rất dồi dào, Ryanair tuyên bố sẽ mua lại 600 triệu euro cổ phiếu quỹ ngay lập tức.
Trong năm tài chính kết thúc 31/3/2017, hãng hàng không Ai-len đã đạt được lợi nhuận sau thuế 1,3 tỷ euro, khớp với dự báo từ trước đó của giới phân tích, ngay cả khi giảm sâu giá vé để lấp đầy gần 14 triệu ghế bổ sung trong khoảng thời gian đó.
Các đối thủ không thích điều này
Thành tích xuất sắc của Ryanair tiếp tục cho các đối thủ “hít khói”, đặc biệt là British Airways, hãng hàng không Anh đang loay hoay với sự cố hệ thống mạng những ngày qua khiến hàng loạt chuyến bay bị hoãn hủy và cả trăm nghìn hành khách bị mắc kẹt tại sân bay.
Là hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính theo số lượng hành khách, Ryanair có vai trò quan trọng trong việc giảm giá vé bình quân đối với các chặng bay ngắn ở châu Âu bằng cách tăng công suất lên 33%, tương đương thêm khoảng 30 triệu chỗ ngồi trong 2 năm trở lại đây.
Tiết kiệm tiền mua máy bay, chắt chiu từng đồng phí bảo trì bảo dưỡng và thuê nhân viên, Ryanair chính là hãng “rẻ” nhất trong số các hãng hàng không lớn của châu Âu. Tận dụng ưu thế này, Ryanair có thể thoải mái phá giá của đối thủ mà vẫn có đủ lợi nhuận.
Giám đốc điều hành Ryanair - ông Michael O’Leary, không giấu nổi sự hài lòng khi chứng kiến lợi nhuận không bị sứt mẻ tí nào, thậm chí còn tăng mạnh, cho dù giá vé giảm tới 13%: “Lợi nhuận của chúng tôi tăng gấp đôi trong vòng có 3 năm và không có lý do gì để xu hướng này phải dừng lại”, ông O’Leary cho biết.
Trong năm tới, Ryanair sẽ điều chỉnh giảm một chút tốc độ mở rộng năng lực, còn khoảng 8%, tương đương phục vụ thêm 10 triệu hành khách và dự đoán giá vé tiếp tục giảm 5 - 7%. Như vậy, kể cả trong những tháng mùa hè cao điểm du lịch, giá vé trung bình của Ryanair vẫn giảm khoảng 5% chứ không tăng theo quy luật cung cầu.
Đương nhiên, đối thủ của Ryanair không thích điều này. Trước khi xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống mạng của British Airways, công ty mẹ IAG từng tuyên bố doanh thu hàng quý trên mỗi dặm bay sẽ lần đầu tiên tăng trưởng dương trong giai đoạn hè từ tháng 4 - 6 kể từ năm 2014. Air France và Lufthansa cũng cho biết giá vé và tình hình đặt chỗ đều đang tốt dần lên.
![]() |
Lợi nhuận của Ryanair đã tăng gấp đôi trong vòng có 3 năm
Mở toang các thị trường mới
Ông O’Leary rất lạc quan về các thị trường ưu tiên hiện nay của Ryanair như Italia, nơi mà hãng hàng không Ai-len chờ đợi đối thủ bản địa Alitalia tự thu hẹp dần hoạt động bay quãng ngắn để triển khai kế hoạch tái cấu trúc nhằm tránh vỡ nợ; hay là Đức, nơi mà Ryanair đang nhắm mua lại hãng hàng không Air Berlin. Ryanair cũng sẵn lòng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để xử lý các đối thủ và mở toang cánh cửa thâm nhập các thị trường mới.
Bên cạnh đó, Ryanair còn đang đàm phán với Boeing để mua thêm 5 máy bay và kéo dài thời gian thuê 10 chiếc nữa trong vòng 2 năm tới. Thời gian gần đây, Ryanair cũng đánh tiếng có thể tiếp nhận máy bay của Alitalia hoặc Air Berlin, nếu hai hãng này có ý định thanh lý.
CEO O’Leary cho biết, Ryanair cũng đã nói chuyện với khoảng 200 sân bay về khả năng di chuyển địa bàn ra khỏi Anh, trong trường hợp kết quả đàm phán Brexit của Anh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh doanh của mình.
Thời điểm này, ban lãnh đạo Ryanair có thể nói là nhìn đâu cũng thấy màu hồng, song vị CEO 56 tuổi cũng rất thận trọng với những rủi ro trong tương lai. Ông lo ngại Brexit có thể làm xáo trộn tất cả các chuyến bay giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) một thời gian, buộc một số nhà đầu tư Anh trong Ryanair thoái vốn. Vì theo quy định, đa số cổ đông của các hãng hàng không EU phải có quốc tịch thuộc EU.
Nguy cơ khủng bố cũng là một nỗi ám ảnh khác, điển hình như vụ đánh bom tự sát gần đây ở Manchester khiến 22 người thiệt mạng, tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp tới lượng khách đặt bay đến những khu vực nhạy cảm.
Hải Châu