Cách đây không lâu, Pearson mới thoái vốn khỏi FT Group, đơn vị chủ quản của tờ báo Financial Times, để nhượng lại cho Nikkei Inc. (Nhật Bản) và thu về 844 triệu bảng Anh.
Rút gần hết khỏi truyền thông báo chí
Exor SpA, một công ty đầu tư của gia đình Agnelli - chủ sáng lập tập đoàn ôtô Fiat SpA, quyết định bỏ ra 287 triệu bảng Anh để mua lại một nửa số cổ phần mà Pearson nắm giữ, nhờ đó nâng tỷ lệ sở hữu của mình trong tập đoàn The Economist từ dưới 5% lên hơn 43%. Phần còn lại, Pearson bán cho chính The Economist Group, với giá 182 triệu bảng Anh.
Quy chế nội bộ của The Economist Group sẽ được sửa đổi lại để hạn chế quyền biểu quyết của một cổ đông không vượt quá 20% và bảo đảm không có cá nhân hay tổ chức nào được sở hữu hơn 50% cổ phần.
Ngoài việc sở hữu các tạp chí The Economist, một ấn phẩm hàng tuần về tin tức tài chính kinh doanh quốc tế, The Economist Group còn sở hữu công ty dữ liệu The Economist Intelligence Unit và tập đoàn dữ liệu chính trị CQ Roll Call của Mỹ.
Sau khi rút khỏi cả Financial Times và The Economist, mối quan tâm của Pearson trong lĩnh vực truyền thông giờ chỉ còn là 47% cổ phần trong nhà xuất bản sách Penguin Random House.
Pearson hy vọng thủ tục nhượng cổ phần The Economist sẽ hoàn tất trong quý IV sau khi được 75% cổ đông chấp thuận, sau đó sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào chiến lược giáo dục toàn cầu của mình.
Pearson đăng hàng loạt ấn phẩm về tài chính, kinh doanh quốc tế
Giám đốc điều hành John Fallon tuyên bố Pearson sắp tới tập trung vào 4 lĩnh vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, là trường học ảo, đại học từ xa, trường dạy ngoại ngữ và các chương trình cao học. Những mũi nhọn ưu tiên này hiện chiếm tới một nửa doanh thu của Pearson và CEO Fallon kỳ vọng nó sẽ sớm tăng tỷ trọng lên 75%.
Các nền kinh tế đang phát triển như Brazil và Trung Quốc chính là thị trường mà ông Fallon sẽ đẩy mạnh khai thác bởi nhu cầu rất lớn về dịch vụ giáo dục. Ví dụ điển hình có thể kể đến hệ thống trường dạy ngoại ngữ Grupo Multi và công ty kinh doanh các hệ thống giáo dục SEB ở Brazil hay trường dạy ngoại ngữ Wall Street English ở Trung Quốc.
Pearson lớn mạnh như ngày hôm nay phần nhiều là do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khi thắng thầu hàng loạt hợp đồng của chính phủ Anh trong lĩnh vực giáo dục, vào đúng thời điểm nền kinh tế tăng trưởng thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tỏ ra là miền đất rất "lành" và tạo điều kiện cho Pearson tha hồ "dụng võ".
Giải quyết những thách thức
Mặc dù Pearson đang "rủng rỉnh" hơn 1,3 tỷ bảng Anh sau hai vụ thoái vốn khỏi hai nhà xuất bản tầm cỡ thế giới, nhưng giới đầu tư vẫn đặt câu hỏi về khả năng đầu tư khôn ngoan của tập đoàn này cũng như những áp lực phải đương đầu.
Trước tiên là áp lực từ thị trường Mỹ, nơi đóng góp tới 60% trong tổng số 4,9 tỷ bảng Anh doanh thu cho Pearson trong năm 2014. Đang tồn tại tư tưởng phản đối mang màu sắc chính trị ở một số bang đối với Common Core - một chương trình liên bang được chính phủ Mỹ ủng hộ nhằm phổ biến và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn dạy và học trên toàn quốc, mà Pearson lại là một nhà cung cấp quan trọng của chương trình này.
Khó khăn thứ hai là sự chuyển đổi từ tài liệu in ấn truyền thống sang các ấn phẩm và dịch vụ học tập kỹ thuật số. Cuối năm ngoái, Pearson đã hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu kéo dài 2 năm, theo đó đóng cửa một số kho sách và xây dựng lại đội ngũ bán hàng. Song những nỗ lực đó dường như là chưa đủ, trong bối cảnh các công ty truyền thông khác cũng ra sức vật lộn để kiếm tiền từ môi trường số hóa.
Thách thức tiếp theo chính là hệ quả từ những thương vụ thâu tóm "ào ào" trong quá khứ, để lại một hệ thống công nghệ và hạ tầng cồng kềnh. Pearson hiện có khoảng 50 trung tâm dữ liệu ở Mỹ với các phần mềm dạy và học thường được xây dựng độc lập, gần như không kết nối với nhau.
Chính sự rối rắm và thiếu đồng bộ này đã buộc CEO Fallon phải tính đến chuyện thanh lý bớt để tiết kiệm, tăng hiệu quả khai thác trong những năm sắp tới.
Hùng Anh