Việc thiết lập một mức trần sản lượng thậm chí còn không hề được nhắc đến trong bầu không khí gay gắt, khiến người ta không thể nhận ra một tổ chức thống nhất nữa, mà đơn thuần là tập hợp của những lợi ích riêng lẻ.
Thân ai nấy lo
Cuộc họp diễn ra tại Vienna (Áo) dự kiến có thời lượng 4 tiếng, nhưng sự bất đồng mạnh mẽ khiến nó kéo dài đến tận 7 tiếng. OPEC không buồn đoái hoài đến ý tưởng khống chế sản lượng tối đa nhằm kiểm soát giá cả, thay vào đó lại tập trung vào chính sách của Ảrập Xê-út suốt một năm qua, là “bơm, bơm, bơm” cho đến khi các nước đối thủ nội khối cũng như ngoại khối, như Nga hay Mỹ, phải kiệt sức chịu đựng và chấp nhận bỏ thị trường.
Thực tế thì từ năm 1982, OPEC đã có quy định giới hạn sản lượng dầu, nhưng thường xuyên bị các nước thành viên phớt lờ và “xé rào”. Điển hình là mức trần 30 triệu thùng/ngày, đi vào hiệu lực từ năm 2011, dường như “có cũng như không”, đến nay đã bị gỡ bỏ vì quá cứng nhắc.
Theo dữ liệu của Bloomberg, sản lượng đầu ra của OPEC liên tiếp vượt ngưỡng trong vòng 18 tháng. Bất chấp thực tế đó, tổ chức này khẳng định sẽ tiếp tục “bơm” vào thị trường với sản lượng như hiện tại, khoảng 31,5 triệu thùng/ngày.
Việc nguồn cung dư thừa khiến giá dầu Brent, một cơ sở tham chiếu giá dầu trên toàn cầu, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Tính tại thời điểm các quốc gia OPEC nhóm họp, giá dầu tham chiếu trên thị trường Mỹ giảm 5,7%, dao động xung quanh 40 USD/thùng, trong khi từng leo lên tới 105,37 USD/thùng vào ngày 30/6/2014.
Điều này đã làm sụt giảm một nửa lợi nhuận của nhiều tập đoàn năng lượng lớn, như Exxon Mobil hay BP, trong khi các nước nhiều dầu thô như Mexico và Nga chứng kiến đồng tiền bị mất giá liên tục.
Ở Vienna, bầu không khí căng thẳng khiến người ta không còn nhận ra một tổ chức thống nhất về dầu mỏ nữa, mà đơn thuần chỉ là tập hợp của những lợi ích riêng lẻ. Bộ trưởng dầu mỏ Iran - ông Bijan Namdar Zanganeh, cho rằng: “Rốt cuộc là không có mức trần nào về sản lượng cả... Ai thích làm gì thì làm”.
Trong khi đó, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq - ông Adel Abdul Mahdi, thì lập luận rằng hầu hết các thị trường trên thế giới đều không có bất kỳ giới hạn nào. “Mỹ không có mức trần. Nga cũng không có mức trần. Vậy tại sao OPEC lại cần có mức trần?”, ông Mahdi nói.
![]() |
OPEC đã kết thúc một cuộc họp mà không đi đến bất cứ thỏa thuận nào
Cái kết không có hậu
Tình trạng cung vượt cầu nhiều khả năng sẽ tiếp diễn vào năm tới. Iran, sau nhiều năm bị trừng phạt vì liên quan đến các chương trình hạt nhân, đã cam kết nâng sản lượng dầu lên 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016, so với 3,3 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Buổi họp hôm 4/12 nhiều lúc tưởng chừng sẽ “vỡ trận”, tương tự một cuộc họp vào tháng 6/2011, khi OPEC không thể nhất trí về quan điểm chính sách và các vị Bộ trưởng đã không ngần ngại công kích lẫn nhau. Tại thời điểm đó, Bộ trưởng dầu mỏ Ảrập Xê-út - ông Ali al-Naimi, phải thốt lên rằng cá nhân ông đã trải qua một trong những cuộc họp “kinh khủng” nhất cuộc đời.
Không đẩy sự việc tới mức hỗn loạn như vậy ở Vienna, nhưng đoàn đại biểu các nước rời trụ sở OPEC với vẻ mặt bi quan và không muốn phát biểu gì thêm. Trong vòng một giờ đồng hồ, một số đoàn như Ảrập Xê-út và Iran đã lập tức ra thẳng sân bay về nước.
Ông Al-Naimi cho biết sẽ đến Paris luôn để tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu. Đoàn đại biểu Venezuela, nước ra sức thuyết phục cắt giảm mức trần cũ xuống thêm 5%, chỉ trả lời ngắn gọn câu hỏi của phóng viên, rằng OPEC “chẳng đưa ra được quyết định nào”, một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng nặng nề đối với chính sách mới tại quốc gia Nam Mỹ.
Khoảng thời gian này, hình ảnh OPEC không còn giống như những gì mà nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger từng miêu tả về họ, như một thế lực có thể đe dọa nền kinh tế các quốc gia. Thay vào đó, các thành viên OPEC dường như đang lãng phí những ngày ngắn ngủi còn “chung một mái nhà” chỉ để đấu đá lẫn nhau mà thôi.
Hùng Anh