Báo cáo của OECD chỉ ra rằng, các cá nhân, hộ gia đình từ các khu vực trên thế giới đang dần tăng đầu tư vào các công ty trong khu vực châu Á thông qua các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ cùng những kênh trung gian khác.
Số liệu của bản báo cáo cũng cho biết các công ty quy mô nhỏ ở châu Á đang huy động được một lượng vốn lớn từ IPO, trong khi các công ty có quy mô tương đương ở các quốc gia khu vực khác thì không.
OECD cho rằng sự phát triển nhanh chóng của thị trường vốn ở châu Á chủ yếu là nhờ số lượng các công ty Trung Quốc chọn cách kêu gọi vốn thông qua IPO tăng mạnh. Kết quả là chỉ tính trong năm 2018, đã có thêm khoảng 748 công ty châu Á tham gia thị trường vốn, tương đương 60% tổng số công ty niêm yết mới trên toàn thế giới.
Theo tìm hiểu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là những nước có số lượng các công ty IPO dẫn đầu châu Á, ngoài ra, một số nền kinh tế mới nổi của châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng đều xếp hạng về số lượng IPO cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển ở khu vực khác.
Báo cáo cho biết, hoạt động IPO đang diễn ra mạnh mẽ cùng sự gia tăng ảnh hưởng từ các công ty châu Á trên thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ ngày càng thu hút các khoản đầu tư từ nước ngoài vào khu vực này.
K.H