Dự kiến gần 300 phiên họp xung quanh các chủ đề nóng của kinh tế thế giới sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 23/1, ở thành phố nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ).
Thiếu vắng tin vui
Năm nay là năm thứ 46 WEF tổ chức hội nghị thường niên, với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học với tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Bên cạnh đó, những vấn đề vô cùng nóng hổi toàn cầu thời gian qua, như rối loạn thị trường, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập… cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong 4 ngày hội nghị.
Diễn đàn năm nay chào đón sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu, đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm chính trị gia, lãnh đạo giới doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội, diễn viên điện ảnh, ca sĩ…
Rất nhiều nhân vật quan trọng trong kinh tế thế giới đều tề tựu về đây, như Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, tỷ phú Bill Gates, CEO General Motors Mary Barra, CEO Microsoft Satya Nadella, Chủ tịch Alibaba Jack Ma hay Chủ tịch Alphabet Eric Schmidt. Sự kiện cũng có sự góp mặt của Quốc vương và Hoàng hậu Jordan, diễn viên Leonardo DiCaprio hay rapper Will.i.am. Ước tính khoảng 250 nhà báo đến đưa tin sự kiện này.
Một điểm nhấn trong ngày đầu tiên của hội nghị là bài phát biểu của Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, với nhận định kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ khiêm tốn trong năm 2016, nhưng tiềm ẩn rủi ro suy thoái lớn hơn dự đoán. Bà Lagarde chỉ ra 3 mối đe dọa chính, sự tụt dốc của giá dầu, quá trình tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ không đồng bộ, điển hình như việc Mỹ thắt chặt trong khi nhiều nước khác lại nới lỏng.
Mặc dù người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn nguyên cơ hội tăng trưởng, song IMF vẫn quyết định hạ dự báo triển vọng năm 2016 từ 3,6% xuống 3,4%. Và, với hiện tượng hàng loạt thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn theo kiểu domino ngay tháng đầu năm, giấc mơ tăng trưởng tức thì của thế giới càng trở nên mơ hồ hơn.
![]() |
Bài phát biểu của Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, điểm nhấn
trong ngày đầu tiên của WEF 2016
Dầu mỏ đi ngược “thông lệ”
Câu chuyện dầu mỏ đương nhiên thu hút được sự quan tâm rất lớn của đại biểu tham dự, sau khi giá dầu thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, trong khi nguồn cung thì dư thừa chồng chất, chưa kể Iran - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai OPEC - sẽ đưa thêm ra thị trường hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày khi lệnh cấm vận đã được gỡ bỏ.
Đây là một sự thay đổi rất đáng chú ý so với “thông lệ” WEF. Năm 2014, hầu như chẳng ai bận tâm lo lắng về giá dầu - khi đó đang dao động quanh mốc 100 USD/thùng. Còn trong các cuộc khảo sát mà WEF tiến hành hàng năm trước khi diễn ra hội nghị, thì rủi ro giá dầu giảm mạnh chưa bao giờ lọt vào top 10 mối quan tâm giới doanh nghiệp.
Trong một cuộc họp bên lề, lãnh đạo một số công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới như Saudi Aramco, BP, Statoil, Repsol, Royal Dutch Shell, Total hay Chevron, đã ngồi lại với nhau nhằm tìm ra giải pháp cắt giảm chi phí thông qua xây dựng tiêu chuẩn đồng nhất trong toàn ngành, đối với trang thiết bị thăm dò và khai thác.
Công tác hậu cần phục vụ WEF 2016 được tổ chức một cách hết sức chặt chẽ. Tại khu trung tâm, hàng rào bê tông và bốt kiểm soát được rải dọc các tuyến đường để hỗ trợ “vòng trong” là hàng loạt chốt kiểm tra an ninh đặt bên trong tòa nhà. Khoảng 100 trong số 2.500 đại biểu tham dự được cấp thẻ an ninh đặc biệt.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Thụy Sĩ đã phải triển khai 4.500 nhân sự quân đội và cảnh sát, điều động hai hệ thống tên lửa đất đối không. Sân bay Zurich sẽ có những ngày bận rộn hơn thường lệ, khi thu xếp tiếp đón thêm khoảng 1.000 máy bay và trực thăng cất và hạ cánh trong suốt thời gian hội nghị.
Hùng Anh