Theo số liệu thống kê của chính phủ Australia, trong giai đoạn ba tháng cuối năm 2015, lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nước này giảm 2,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ quý II/2014 - trong đó lĩnh vực khai khoáng “dẫn đầu” với 6,2%.
Lợi nhuận giảm tốc, nợ xấu tăng tốc
Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng đến năm 2018, trích lập dự phòng nợ xấu tại các ngân hàng Australia sẽ tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là rủi ro phá sản ngày một lớn trong các lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong kỳ báo cáo gần đây nhất, kết quả hoạt động kinh doanh của ba đại gia ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, Westpac Banking và National Australia Bank khiến nhà đầu tư không thể ngồi yên, khi chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng chậm chưa từng thấy trong vòng 6 năm trở lại đây.
Tính thêm cả Australia & New Zealand Banking Group thì nhóm “Big 4” này đã phải huy động kỷ lục 20 tỷ đô-la Australia (AUD), tức xấp xỉ 331.000 tỷ đồng trong năm 2015 để đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu theo quy định.
Tổng số dự phòng nợ khó đòi của các ngân hàng kể trên là 3,8 tỷ AUD, tăng 9,3% so với năm 2014 và cũng là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2009. Theo tính toán của một số chuyên gia, mức trích lập này có khả năng đạt mức 7,2 tỷ AUD vào năm 2018.
Còn nhớ, trong nửa đầu thập niên này, dự phòng nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của 4 ngân hàng đã giảm được 5,4 tỷ AUD, giúp các đại gia duy trì mạch 6 năm liên tiếp có lợi nhuận kỷ lục. Từ mức đỉnh 1,9% trong năm 2010, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,9% tổng dư nợ tháng 6/2015. Đó là quãng thời gian tươi sáng cho toàn hệ thống.
Giờ đây, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của ANZ, Commonwealth Bank và Westpac gộp lại sẽ chỉ còn 4,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2018, tức là bằng một nửa tốc độ trung bình của 4 năm trước đó. Tình hình của National Australia khả quan hơn một chút, vì năm ngoái đã kịp rút khỏi những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả.
Giá cả hàng hóa thị trường lao dốc làm điêu đứng doanh nghiệp ngành khai khoáng, cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, là những tín hiệu rõ ràng về việc khó có thể trông mong lĩnh vực ngân hàng Australia khởi sắc trong tương lai gần.
![]() |
Cổ phiếu của những ngân hàng tốp đầu Australia theo nhau tụt dốc
Họa vô đơn chí
Viễn cảnh buồn chán ngay lập tức phản ánh trên thị trường chứng khoán. Bốn năm rồi nhà đầu tư mới lại chứng kiến cổ phiếu của những ngân hàng tốp đầu Australia bị đánh giá thấp như vậy, với hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (P/E) rơi xuống bằng với thời điểm giữa năm 2012.
Hàng loạt khoản tín dụng doanh nghiệp dù chưa đáo hạn, nhưng đã có thể nhìn thấy rủi ro mất mát một phần hoặc toàn bộ. Doanh nghiệp bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng Dick Smith Holdings đứng trước nguy cơ đóng cửa, trong khi công ty luật lớn nhất của Australia, Slater & Gordon, hay đại gia sản xuất thép và khai khoáng Arrium loay hoay với nỗ lực tái cơ cấu nợ của mình.
Họa vô đơn chí, tất cả những chuyện tiêu cực nêu trên xảy ra trong bầu không khí u ám của kinh tế toàn cầu, còn kinh tế Australia thì đứng trước nguy cơ đánh mất những thành quả đã đạt được. Thời điểm mà yêu cầu về dự trữ tiền mặt tại ngân hàng trung ương còn thấp và đồng AUD mất giá, điều kiện kinh doanh ở Australia thu hút nhiều nhà đầu tư và thúc đẩy tạo việc làm trong những ngành nghề như du lịch hay giáo dục.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Australia, có tới bốn công ty thuộc bộ chỉ số chứng khoán tham chiếu của Australia bị cả Standard & Poor và Moody hạ bậc tín nhiệm, trong đó có những tên tuổi tầm cỡ quốc tế là BHP Billiton và Rio Tinto.
Giá cả hàng hóa biến động bất lợi, thị trường tài chính xáo trộn bất ổn, doanh nghiệp thì làm ăn bấp bênh - các ngân hàng Australia không lo mất vốn mới là lạ.
Hùng Anh