So sánh trên nằm trong một báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm London (CfL) và tổ chức Sáng kiến thành phố toàn cầu (GCI), theo đó hai thành phố lớn nhất khối EU đã cho thấy khả năng phục hồi tích cực sau khủng hoảng tài chính và là động lực thúc đẩy cả châu Âu bước vào một chu kỳ kinh tế mới.
London là gương mặt Anh duy nhất
Báo cáo có tên "Các thành phố châu Âu trong một nền kinh tế toàn cầu" được công bố tại một cuộc họp hôm thứ Ba do GCI tổ chức. GCI là dự án chung của JPMorgan Chase thực hiện cùng nhóm chuyên gia đến từ Viện Brookings – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tiến hành những nghiên cứu độc lập, tìm kiếm những giải pháp chính sách mang tính đột phá. Mục đích của sự kết hợp giữa CfL và GCI là nhằm kết nối giới lãnh đạo các thành phố lớn, giúp nâng cao nhận thức của họ về những thách thức chung.
Hơi tiếc cho nước Anh là ngoài đại diện ưu tú London thì không có thêm địa phương nào khác lọt được vào nhóm dẫn đầu. Khi các chuyên gia gộp 6 thành phố của Đức để đem lên bàn cân với 6 thành phố của Anh về sản lượng và tăng trưởng việc làm thì phát hiện ra rằng chỉ có London là thành phố "đáng chú ý" duy nhất của Anh có tăng trưởng dương trên cả hai chỉ tiêu này trong vòng 5 năm qua.
![]() |
Trong khi đó Berlin, Munich và Hamburg vượt trội hoàn toàn bất kỳ thành phố nào khác của Anh. Điều này giải thích vì sao tình trạng châu Âu phần lớn phụ thuộc vào tình trạng của các thành phố ở tầng lớp "trung bình". Nếu tiếp tục hoàn thiện được mạng lưới bao quát và xuyên suốt những thành phố như vậy thì sẽ có cơ sở để gia tăng phần đóng góp của khu vực này vào giá trị thương mại toàn cầu.
Trong khi các thành phố năng động nhất châu Âu từ cách đây 15 năm vẫn tiếp tục bền bỉ duy trì ưu thế thì các trung tâm đô thị trong khu vực cho thấy tốc độ tăng trưởng thấp so với mức chuẩn toàn cầu. 20 thành phố lớn nhất châu Âu hiện nay chỉ tăng trưởng 1,6% mỗi năm kể từ năm 1993, so với 6,2% của các đối thủ đồng cấp ở những thị trường mới nổi.
Bản báo cáo trên cũng đi vào phân tích Istanbul và Moscow, với dân số lần lượt 13 triệu và 11 triệu người, là hai thành phố nắm trong tay nhiều lợi thế về quy mô, trạng thái, vị thế và thị trường đủ để "thăng hạng" trở thành những trung tâm kinh tế khu vực và thế giới.
Thành phố toàn cầu và thách thức toàn cầu
Nhưng trước khi Istanbul, Moscow hay một thành phố giàu tiềm năng nào đó xác lập được vị thế vững chắc thì London và Paris vẫn là "hai thành phố toàn cầu thực sự ở châu Âu" như lời mô tả trong bản báo cáo. Cả hai đều rất giỏi nắm bắt các cơ hội có được từ sự tăng trưởng chung của kinh tế thế giới.
Ở khía cạnh cơ sở hạ tầng thì London đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng sau Copenhagen, Barcelona và Frankfurt nhưng trên Paris, Stockholm và Zurich. Ben Rogers, Giám đốc CfL, cho rằng cơ sở hạ tầng là một trong những mối lo ngại có thể ảnh hưởng tới vị thế thành phố toàn cầu của London: "London đã làm khá tốt phần cơ sở hạ tầng nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư. Một ngày nào đó, Chính phủ có thể thay đổi định hướng, sắp tới lại đầu tư lớn cho các sân bay thì liệu có dành ra được phần nào cho London hay không?"
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất ở nhiều thành phố châu Âu lúc này là số lượng thanh thiếu niên thất nghiệp phải sống nhờ trợ cấp của gia đình và xã hội. Ngay cả ở các thành phố kinh tế sôi động như London thì cứ 4 người trong độ tuổi 16 – 24 lại có 1 người không công ăn việc làm.
Tình trạng này diễn ra tồi tệ nhất ở các thành phố phía Nam Địa Trung Hải do di chứng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính. Quá nửa số lực lượng lao động trong độ tuổi hai mươi tại các thành phố lớn của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia không thể tự nuôi thân và thậm chí còn chẳng buồn đi tìm việc.
Hùng Anh