Thống kê mới nhất cho thấy, số lượng người Nhật Bản sống trong nước tiếp tục giảm năm thứ bảy liên tiếp.
Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Shinzo Abe, ông Masahiko Shibayama, người cũng đồng thời là một nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, ước tính khi đi vào thực tế, chính sách mới có thể giúp tăng gấp đôi số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Mở cửa đón lao động ngoại
“Sẽ có rất nhiều chiến lược được áp dụng trong vài năm tới... Tôi không nghĩ đó là mục tiêu cố định của chính phủ, nhưng việc số lượng lao động nước ngoài tăng gấp đôi là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh thị trường toàn cầu hiện nay. Quan trọng là phải có một hệ thống bền vững để đón nhận ngày càng nhiều lao động nước ngoài”, ông Shibayama chia sẻ.
Trước đó, một cố vấn khác của ông Abe, nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế Yasutoshi Nishimura, đã thông tin với báo chí rằng chính phủ Nhật Bản chuẩn bị thông qua một dự luật cho phép mở rộng hệ thống chương trình “thực tập sinh” nước ngoài, theo đó người lao động được phép nhập cảnh trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với một số ngành nghề lĩnh vực thiếu hụt lao động, Nhật Bản có thể áp dụng cơ chế thị thực riêng.
Ông Nishimura cũng cho biết thêm, xấp xỉ 190.000 người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh và khi đạo luật mới có hiệu lực, nhóm đối tượng này sẽ được phép ở lại Nhật tối đa 5 năm, tức là thêm 2 năm so với quy định hiện hành; đồng thời có nhiều lựa chọn ngành nghề hơn.
![]() |
Lực lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản ngày càng tăng
Quy trình giám sát mô hình này cũng được chấn chỉnh sau khi có nhiều điều tiếng thời gian qua về tình trạng lạm dụng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dệt may.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản còn có định hướng thu hút lao động công nghệ thông tin từ Ấn Độ và Việt Nam, cũng như có chính sách thị thực mới cho người lao động trong ngành công nghiệp du lịch đang trên đà phát triển. Ông Shibayama cho rằng việc thúc đẩy du lịch sẽ giúp thay đổi dần thái độ của người Nhật đối với người nước ngoài theo hướng cởi mở hơn.
Lời giải nhân khẩu học
Lâu nay, hai chữ “nhập cư” vẫn thường được nhắc đến như một giải pháp cho bài toán khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản, một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, nhưng tỷ lệ sinh lại thấp.
Thủ tướng Abe từng tuyên bố sẽ không để dân số giảm xuống dưới 100 triệu người so với mức 127 triệu hiện nay, mặc dù ý tưởng của ông về việc mở cửa rộng hơn cho người nước ngoài đến làm ăn sinh sống vẫn chưa được ủng hộ nhiệt tình lắm vì vẫn còn đó những lo ngại về tác động của nó tới một xã hội tương đối khép kín đậm chất Á Đông như Nhật Bản.
Số lượng người nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng liên tục từ những năm 1990, khi nhiều sinh viên nước ngoài, người lao động và các gia đình chuyển đến đất nước mặt trời mọc. Chuyên gia Yu Korekawa tại Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Quốc gia Nhật Bản cho biết số người nước ngoài có giảm bớt sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và thảm họa động đất 2011, nhưng giờ đang tăng trở lại.
Thống kê mới nhất cho thấy, số lượng người Nhật Bản sống trong nước tiếp tục giảm năm thứ bảy liên tiếp, còn 125,9 triệu người tại thời điểm 1/1/2016. Số người sinh sống tại 3 khu đô thị lớn nhất (xung quanh Tokyo, Nagoya và Kansai) đã tăng lên mức kỷ lục 64,5 triệu người (chiếm 51,23%), trong khi lượng người nước ngoài tăng 5,4%, lên 2,17 triệu, trong đó hơn 70% tập trung ở các thành phố lớn.
Tình trạng dân số giảm diễn ra ở 40/47 tỉnh của Nhật Bản, trong đó giảm mạnh nhất là đảo Hokkaido. Những địa phương có dân số tăng lên chủ yếu là Tokyo và các khu vực phụ cận, chứng tỏ xu hướng của nhiều gia đình trẻ là chuyển đến thủ đô làm việc và định cư.
Việc người dân đổ về các thành phố lớn rõ ràng là không thuận lợi cho nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Abe, trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh trên cả nước. Tính bình quân cả đời người thì phụ nữ Tokyo có ít con hơn so với phụ nữ ở những địa phương khác. Đó là chưa kể áp lực lên dịch vụ công ở khu vực đô thị, trong khi một số vùng nông thôn trở nên đìu hiu, hoang vắng.
Hải Châu