Mizuho ước tính phải tốn kém hàng trăm triệu USD, nếu muốn nâng cấp tòa nhà 15 tầng lên chuẩn hiện đại, vì vậy mà tập đoàn này quyết định đập đi xây lại thành một tòa tháp 29 tầng.
Đại gia thất thế
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản (IBJ) được xây dựng từ năm 1974, ở vị trí đắc địa trong khu trung tâm tài chính Tokyo, nhìn ra Hoàng cung. Công trình có tường bằng đá granite này được thiết kế với ý tưởng làm bật lên quyền lực và vị thế của IBJ, nguồn tín dụng quan trọng nhất đối với nhiều dự án “khủng” của những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, trong giai đoạn đất nước mặt trời mọc chuyển mình thành một cường quốc công nghiệp xuất khẩu thép và đóng tàu, vang danh toàn cầu trong ngành đường sắt, viễn thông hay điện lực.
Thời hoàng kim, IBJ còn được hệ thống luật pháp nâng đỡ, tạo điều kiện để yên tâm cấp tín dụng dài hạn cho doanh nghiệp mà không bao giờ sợ lỗ. Nhưng đến những năm 1990, sự chững lại của kinh tế Nhật Bản và ưu đãi đặc thù bị cắt giảm đã khiến IBJ dần lu mờ và dính vào hàng loạt khoản nợ xấu khổng lồ, bắt nguồn từ bong bóng bất động sản năm 1980.
IBJ sau đó bị thâu tóm vào những năm 2000 và nay là một phần của Mizuho Financial Group. Khách hàng lần lượt bỏ đi và giờ thì trụ sở hoành tráng ngày nào và cũng là tàn tích cuối cùng của IBJ sắp sửa biến mất hoàn toàn.
![]() |
Mizuho quyết định dỡ bỏ IBJ để xây một tòa tháp 29 tầng
Những nhân viên có năng lực của IBJ thì lần lượt nghỉ việc để mở công ty riêng. Một trong số đó là Hiroshi Mikitani - nhà sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản - Rakuten.
Theo thời gian, ngành công nghiệp nặng Nhật Bản chuyển dịch dần sang Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi Mizuho cũng ít quan tâm đến công nghiệp, thay vào đó lại tập trung nghiên cứu sử dụng trí thông minh nhân tạo trong cho vay tiêu dùng.
Tòa nhà IBJ là một trong những tác phẩm cuối cùng của vị kiến trúc sư rất nổi tiếng Nhật Bản - ông Togo Murano, người đã qua đời năm 1984. Ông Murano lấy cảm hứng thiết kế trụ sở IBJ kể từ sau chuyến thăm tòa nhà CBS ở Manhattan (Mỹ) khai trương năm 1965, đặc biệt là kiến trúc cột tam giác granite màu tối tạo cảm giác vững chắc hơn là toàn bộ bằng kính.
Pháp luật chưa bảo vệ
Ngoài tòa tháp IBJ, Tokyo cũng đang chứng kiến hàng loạt công trình kiến trúc biểu tượng cho thời kỳ vàng son công nghiệp những năm 1960 và 1970 lần lượt trôi vào dĩ vãng.
Hotel Okura năm ngoái đã đập bỏ tòa nhà chính được xây dựng năm 1962 để nhường chỗ cho một khách sạn mới cao tầng hơn, bất chấp mọi lời khuyên can của giới kiến trúc phương Tây muốn giữ lại những chi tiết kiến trúc đậm nét truyền thống Nhật Bản.
Luật pháp Nhật Bản hiện chỉ quy định việc bảo vệ, bảo tồn các di tích cổ (chẳng hạn như đền) chứ chưa có công cụ nào bảo vệ số phận của những chứng tích thời hậu chiến. Đó chính là một trong những trăn trở của những người muốn lưu giữ giá trị quá khứ khi các công trình kiến trúc đang bị phá hủy một cách quá dễ dàng.
Thông tin về việc xóa sổ tháp IBJ làm nhiều người tiếc nuối. Vài tuần trở lại đây, không ít người từng có thời gian gắn bó với tòa nhà đã quay lại ngắm nhìn nó lần cuối. Một công ty kinh doanh kỷ vật đã nhanh trí tận dụng cơ hội này để nhận đơn đặt hàng của những người muốn có một khối đá granite làm kỷ niệm.
Mỗi người một cảm xúc, nhưng không phải ai cũng nấn ná với quá khứ. Ông Hironori Aoi, một lãnh đạo Mizuho phụ trách công tác phá dỡ IBJ, đã từng làm việc trong tòa nhà này khi mới bước chân vào ngành ngân hàng năm 1988 nhưng ấn tượng đầu tiên lại không mấy tích cực vì thấy nó “vừa cũ vừa tối”. Những năm 1990, sàn nhà còn bị nâng lên để bổ sung hệ thống dây cáp điện, khiến cho không gian càng thêm chật chội và bức bối.
Tuy nhiên, trong thâm tâm ông Aoi cũng không tránh khỏi cảm giác lưu luyến, nhất là khi rất nhiều đồng nghiệp cũ gọi điện hỏi về thông tin tòa nhà sẽ chỉ còn là đống gạch vụn.
Hải Châu