Động thái bất ngờ trên cho thấy quyết tâm của BOJ trước những sóng gió ngoại cảnh, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về sự bế tắc chính sách của BOJ.
Cú xoay 180o của Thống đốc
BOJ quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất 0,1% đối với hầu hết những khoản tiền gửi của các định chế tài chính tại ngân hàng Trung ương, trong khi giảm lãi suất của khoản dự trữ bắt buộc về 0% và áp dụng tỷ lệ (-0,1%) đối với phần còn lại. Một khi gửi tiền vào BOJ mà cũng phải mất phí, thì tự khắc các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh giải ngân cho vay hoặc đầu tư.
Tuyên bố của BOJ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính phủ Nhật Bản có báo cáo về tình hình kinh tế Nhật Bản suy yếu bất ngờ trong tháng 12/2015, khi sản xuất công nghiệp và chi tiêu của người dân đều giảm mạnh hơn dự kiến. Đó là chưa kể những tác nhân bất lợi từ bên ngoài, như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản bị chững lại, hay triển vọng bi quan của kinh tế Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, hôm 29/1, Thống đốc Haruhiko Kuroda nhận định sau khi chính sách trên có hiệu lực, từ 16/2, lãi suất thực trên thị trường sẽ giảm, qua đó kích thích tiêu dùng và đầu tư; lãi suất tín dụng trở nên hấp dẫn hơn trước với người đi vay, nhưng tác động không quá tiêu cực tới các ngân hàng. Còn nhớ mới tuần trước thôi, ông Kuroda vẫn một mực phủ nhận việc BOJ xem xét hạ lãi suất xuống dưới 0%.
Trước BOJ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng lần đầu tiên quy định lãi suất âm trong năm 2014. Ngoài ra, ngân hàng Trung ương của Thụy Điển, Đan Mạch hay Thụy Sĩ cũng có chính sách tương tự, với lãi suất lần lượt là -1,1%, -0,65% và -0,75%.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ BOJ phải phá lệ, điều chỉnh lãi suất dưới 0% như là phương án cuối cùng, bởi chương trình mua tài sản của Chính phủ Nhật Bản đã gần như “hết võ”.
![]() |
BOJ đã khiến thị trường toàn cầu phải ngỡ ngàng
“Cạn vốn” chính sách?
Trung bình mỗi năm, BOJ bơm ra thị trường khoảng 80.000 tỷ Yên, chủ yếu thông qua mua vào trái phiếu chính phủ, chứng chỉ quỹ ETF và chứng chỉ các quỹ đầu tư bất động sản. Nắm trong tay gần 1/3 lượng trái phiếu phổ thông của toàn thị trường, BOJ đang triển khai chiến dịch bơm tiền lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực thi chính sách trên, kỳ vọng lạm phát ở Nhật Bản vẫn mơ hồ như mây mù, chưa kể biến động gần đây trên thị trường toàn cầu, đe dọa sẽ xóa sạch những gì BOJ đã đạt được từ gói nới lỏng tiền tệ đặc biệt của mình.
BOJ không thể phủ nhận rằng mục tiêu lạm phát 2% là một đích đến quá xa vời. Theo số liệu thống kê công bố hôm 29/1, lạm phát tháng 12/2015 của Nhật Bản là 0,2%, giảm từ mức 0,3% trong tháng trước đó.
Lần thứ ba BOJ phải kéo dài thời hạn “về đích” thêm 6 tháng nữa, đồng thời cắt giảm dự báo lạm phát năm tài chính 2016 từ 1,4% xuống 0,8%.
Lạm phát thấp và giảm phát là nỗi ám ảnh lơ lửng trên đầu nước Nhật suốt 20 năm trở lại đây. Nó khiến người tiêu dùng rụt rè chi tiêu, bởi họ chờ đợi giá cả còn xuống nữa. Và, điều này khiến hàng hóa dịch vụ trên thị trường bị tắc nghẽn, sản xuất phải cầm chừng. Nền kinh tế Nhật Bản không trì trệ mới là lạ.
Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 29/1, ông Kuroda nhấn mạnh lãi suất âm không phải là “bước đường cùng” của BOJ, mà là công cụ hỗ trợ chính sách hiện có. BOJ sẵn sàng tung thêm gói kích thích tiền tệ, nếu thấy cần thiết, cũng như vẫn còn dư địa để giảm lãi suất sâu hơn nữa và không ngần ngại mở rộng quy mô chiến dịch mua tài sản.
Nhiệm vụ của ông Kuroda trong việc đạt được mục tiêu lạm phát bền vững còn gặp khó khăn, trong bối cảnh thu nhập của người dân không được cải thiện là bao, còn giá dầu cứ miệt mài đổ dốc. Từng tuyên bố sẽ làm “bất cứ điều gì” để hiện thực hóa mục tiêu, quyết tâm của vị Thống đốc 71 tuổi sẽ tiếp tục được kiểm chứng, nếu mọi việc diễn biến không như ông mong đợi.
Hùng Anh