Hệ thống thanh toán trong nước của Nhật Bản hiện bị kêu là vừa đắt hơn, vừa chậm hơn so với các quốc gia khác.
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Nhật Bản đã cấp phép hoạt động cho MoneyTap - một ứng dụng điện thoại thông minh hỗ trợ thanh toán trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Nhật Bản trong lộ trình thực hiện mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt (hiện vẫn chiếm tới 80% các giao dịch tại đất nước này).
Nhanh hơn và rẻ hơn
Thông tin trên cũng được giới đầu tư tiền ảo hào hứng đón nhận, vì tiền ảo giờ đây đang tới rất gần đời sống thật. Ngoài ra, tiền ảo có thể nhanh chóng được giao dịch như các loại tiền trong ngân hàng cũng mở ra xu hướng mới trên thị trường.
MoneyTap được phát triển bởi SBI Ripple Asia - một liên doanh giữa SBI Holdings của Nhật Bản và Ripple - chuyên gia về blockchain của Mỹ. Ba ngân hàng tầm trung của Nhật là ngân hàng SBI Net Sumishin, ngân hàng Suruga và ngân hàng Resona đã quyết định phối hợp ứng dụng nền tảng trên.
Hiện nay, các ngân hàng Nhật Bản tính phí khoảng 3 USD cho mỗi giao dịch chuyển tiền tới tài khoản khác thông qua hệ thống thanh toán trong nước Zengin.
Zengin có đặc điểm chỉ hoạt động đến 3 giờ chiều các ngày trong tuần, buộc người nhận phải chờ tối thiểu 1 ngày sau mới thấy tiền về. Nhiều người phàn nàn rằng như vậy là vừa đắt hơn vừa chậm hơn so với thực tiễn ở các quốc gia khác.
Ông Takashi Okita - Giám đốc điều hành SBI Ripple Asia và từng có thời gian làm việc tại Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA), cho biết: “Chúng tôi muốn thay đổi cách thức thanh toán ngang hàng và liên ngân hàng tại Nhật Bản. Cách thức hiện nay rất không hiệu quả”.
“FSA đang cố gắng giảm giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế và một khi mọi người sử dụng hệ thống MoneyTap mới, họ sẽ không bao giờ muốn quay lại tiền mặt nữa. Ngành ngân hàng Nhật Bản vẫn đang sống trong thời đại không internet - thậm chí các ngân hàng mới chỉ nhận ra là họ phải thay đổi”, ông Takashi Okita tự tin nói.
Tháng 6 vừa rồi, Alipay - công ty con chuyên về thanh toán di động của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), đã giới thiệu với người tiêu dùng một dịch vụ vừa nhanh vừa rẻ hơn để chuyển tiền từ Hồng Kông đến Philippines qua hệ thống blockchain GCash với Standard Chartered là ngân hàng đối tác.
Trước đó 2 tháng, Ripple tạo tiếng vang trong lĩnh vực thanh toán, khi hợp tác với ngân hàng Banco Santander triển khai dịch vụ mới trên công nghệ nhắn tin chuỗi khối của Ripple (có tên gọi XCurrent) cho phép khách hàng của ngân hàng Banco Santander ở Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Brazil chuyển tiền bằng nhiều đơn vị tiền tệ khác nhau trên thế giới.
![]() |
3 ngân hàng tầm trung của Nhật đã phối hợp ứng dụng nền tảng blockchain |
Hứa hẹn thanh toán xuyên biên giới
Từ đó tới nay đã có hơn 100 tổ chức tài chính toàn cầu đăng ký với Ripple để tham gia sử dụng hệ thống XCurrent.
Tuy nhiên, sự ra mắt của MoneyTap ở Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ đây là lần đầu tiên có một quốc gia lớn triển khai một hệ thống chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau trên nền tảng blockchain.
Ông Okita cho biết SBI Ripple Asia có mối quan hệ hợp tác với 61 ngân hàng Nhật Bản và hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng trong số đó đăng ký sử dụng hệ thống mới. Ông cũng tiết lộ SBI Ripple Asia đang lên kế hoạch mở rộng dịch vụ sang cả thanh toán xuyên biên giới.
Ứng dụng MoneyTap không sử dụng tiền mã hóa XRP của Ripple, vốn có là một loại tiền tệ trung gian giá rẻ và phổ biến, một giải pháp thay thế cho tài khoản Nostro và Vostro với phí duy trì đắt đỏ của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Okita cho biết lựa chọn này sẽ được để mở trong tương lai cho bất kỳ ngân hàng nào có nhu cầu sử dụng.
Là nước chủ động tiên phong đưa tiền mật mã và blockchain vào ứng dụng trong cuộc sống, Nhật Bản được thụ hưởng sự phát triển sôi động của những công nghệ mới này, song cũng vướng phải một số rắc rối do công tác quản lý còn lỗ hổng.
Đến nay, Nhật Bản ngày càng chú trọng hơn đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng trước khi cấp phép cho những tổ chức, sản phẩm dịch vụ mới tham gia thị trường.
Hải Châu