Trong khi những chuyên gia ủng hộ chính sách của ông Abe cho rằng đây là cơ hội quý giá không thể bỏ lỡ với khoản kinh phí không bị tính lãi, thì phe phản đối lại cho rằng việc phát hành thêm công cụ nợ để tạo nguồn cho gói kích thích kinh tế có thể sẽ phá hỏng các nguyên tắc tài chính của Nhật Bản.
Chính sách “mua, mua, mua”
Kế hoạch ngân sách mới được thông qua của Nhật Bản bao gồm khoảng 3.300 tỷ Yên (tương đương 32 tỷ USD) trong chi tiêu bổ sung, nâng tổng dự toán ngân sách cho năm tài khóa kết thúc tháng 3/2017 lên đến 100.000 tỷ Yên, tức là tăng gần 2% so với năm trước.
Tiền đề cho nó chính là quyết định hôm 21/9 của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) về việc đặt mục tiêu lợi suất 0% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, thay vì theo đuổi một con số cụ thể về lượng trái phiếu sẽ mua.
Về lý thuyết, điều này cũng đồng nghĩa rằng chính phủ Nhật Bản có thể yên tâm phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm bao nhiêu tùy thích, mà không bao giờ phải trả lãi, bởi đã có “chính sách” khi BOJ “tự giao nhiệm vụ” cho mình phải “mua, mua, mua”, miễn sao giữ được tỷ lệ lợi suất bằng không.
Mặc dù BOJ có để mua trái phiếu từ thị trường và không mua trực tiếp từ chính phủ, nhưng trên thực tế, cách làm này chẳng khác nào chính phủ dùng tiền của ngân hàng trung ương để trả nợ và tài trợ cho các khoản chi tiêu khác.
Nhật Bản hiện đã trở thành quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP lớn nhất thế giới
Đây chính là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang trải qua, khi quyết định thay đổi chính sách tài khóa như một cách để thúc đẩy tăng trưởng do vướng phải những hạn chế của chính sách tiền tệ.
Mặc dù 3 năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi BOJ sử dụng cơ chế nới lỏng định lượng, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn sa lầy trong tăng trưởng chậm chạp và giá tiêu dùng giảm, tương tự như khu vực đồng Euro.
Đẩy mạnh chi tiêu
Gánh nặng chi thường xuyên kể từ những năm 1990 đến nay đã biến Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP lớn nhất thế giới, gần 250%, nhưng đáng buồn hơn là sự đánh đổi đó vẫn chưa mang lại sự tăng trưởng bền vững.
Một số chuyên gia kinh tế nói rằng đẩy mạnh chi tiêu không phải là biện pháp tốt nhất trong cuộc chiến lâu dài của Nhật Bản với đối thủ có tên là “giảm phát”, bởi nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: giá cả thị trường giảm dẫn tới người dân và doanh nghiệp ngần ngại đầu tư hơn, tức là làm chậm đà tăng trưởng.
Theo nhận định của kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Norinchukin, ông Takeshi Minami, một trong những rào cản lớn nhất chính là sự miễn cưỡng cố hữu của các công ty Nhật trong việc tăng lương. Bởi vậy, sẽ hợp lý hơn nếu ông Abe “ép” được doanh nghiệp đối đãi hào phóng với người lao động, để họ thoải mái hơn về mặt kinh tế và mạnh dạn chi tiêu.
Đồng quan điểm trên, bà Maiko Noguchi - chuyên gia kinh tế cao cấp của công ty chứng khoán Daiwa Securities, cho rằng việc chính phủ chi tiêu quá nhiều có thể gây phản tác dụng, vì khiến công chúng quan ngại tương lai kinh tế đất nước sẽ ra sao nếu cứ quen với việc tiêu tiền ngày càng bạo tay hơn, trong khi kết quả thu về chẳng hề tương xứng.
Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn của ông Abe lâu nay vẫn rất ưa chuộng chính sách nới lỏng tiền tệ và kêu gọi chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc trẻ em, xóa đói giảm nghèo, công nghệ và đào tạo nghề.
Trong lộ trình mới của BOJ, chính sách tài khóa có vẻ gắn bó chặt chẽ hơn với chính sách tiền tệ. Nếu chính phủ sử dụng tiền của nhà đầu tư trái phiếu để phục vụ các khoản chi tiêu mới, thì BOJ có thể sẽ mua thêm trái phiếu để tăng nguồn cung cấp tiền mặt, bảo đảm lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được giữ ở mức 0%. Chính sách nới lỏng tài khóa khi đó sẽ gần như tương đồng với nới lỏng tiền tệ.
Tương tự như vậy, việc thắt chặt tài chính như tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu sẽ tự động khiến BOJ thắt chặt chính sách tiền tệ, vì chỉ phải mua ít trái phiếu hơn mà vẫn bảo đảm mục tiêu lợi suất.
Hải Châu