Ông Abe cho rằng sự chững lại về tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi, cũng như sự sụt giảm liên miên của giá cả hàng hóa, chính là dấu hiệu nhận biết của một cuộc khủng hoảng kinh tế và nếu không có chính sách đối phó phù hợp, thì nguy cơ sẽ chuyển hóa thành hiện thực.
Mục tiêu bị trì hoãn
Nhận định bi quan của ông Abe về thực trạng kinh tế thế giới là một chỉ báo về việc Nhật Bản sẽ tiếp tục trì hoãn kế hoạch tăng thuế doanh thu. Khả năng này đã được ông lên tiếng thừa nhận, cho dù thời gian qua, các cố vấn của ông thông tin rằng Thủ tướng vẫn “đang xem xét”.
Cách đây hơn một năm, chính phủ của ông Abe từng nói chắc “như đinh đóng cột”, rằng việc tăng thuế sẽ tiến hành dự kiến vào năm 2016, trừ khi thế giới phải đối mặt với tình huống nào đó nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Việc tăng thuế doanh thu từ 5% lên 8%, hồi tháng 4/2014, được cho là khiến cơ hội phục hồi sớm của kinh tế Nhật Bản bị tiêu tan. Chi tiêu dùng trong nước của quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn bình thường trở lại và viễn cảnh tăng thuế trong năm tới thậm chí còn khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn.
Ý định tăng thuế và cân nhắc một gói kích thích kinh tế trị giá lên đến 10.000 tỷ Yên (1 Yên tương đương 203,08 đồng) cũng dẫn tới một sự khẳng định ngầm, rằng chương trình “Abenomics” đang gặp trục trặc chỉ hơn ba năm sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, ông Abe vẫn khẳng định: “Abenomics không hề thất bại”, với bằng chứng là hàng loạt công ăn việc làm đã được tạo ra trong nhiệm kỳ của ông.
Mặc dù vậy, Nhật Bản không thể lẩn tránh thực tế rằng giá tiêu dùng, chưa bao gồm thực phẩm tươi sống, đã giảm 0,3% trong tháng Tư vừa qua, tương đương mức giảm trong tháng Ba.
Các con số thống kê chỉ ra rằng, mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) được công bố hồi đầu năm 2013, một trụ cột quan trọng trong chính sách Abenomics của Nhật Bản, vẫn là mục tiêu xa vời. Tháng trước, BOJ đã buộc phải gia hạn thời điểm hoàn thành mục tiêu trên tới lần thứ tư.
![]() |
Người tiêu dùng Nhật có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, trước viễn cảnh tăng thuế
Cam kết chưa được cụ thể hóa
Cam kết của ông Abe về việc phát triển nền kinh tế vừa nhanh vừa bền vững cũng chưa được cụ thể hóa là bao. Mặc dù kinh tế Nhật Bản đã hồi phục để tăng trưởng với tốc độ 1,7%/năm trong quý I/2016, sau thời gian suy giảm trong 2/3 quý trước đó.
Khi mà cuộc bầu cử thượng viện đang tới gần, phe đối lập chính trị đã chỉ trích ông Abe vì quan điểm tiêu cực và góp phần đẩy Nhật Bản vào khủng hoảng. Ông Katsuya Okada, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, không hài lòng với lập luận của vị Thủ tướng và cho rằng ông Abe “tận dụng cuộc họp G7” làm cái cớ để trì hoãn kế hoạch tăng thuế.
Sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra cảnh báo về các rủi ro đang ngày một gia tăng đối với kinh tế toàn cầu, nhưng lại chưa thể thống nhất về kế hoạch phối hợp kiểm soát đầu tư công. Ông Abe thậm chí còn muốn gọi tên những rủi ro đó là “nguy cơ khủng hoảng” và kêu gọi các nước thành viên G7, bao gồm cả Mỹ, Đức và Italia, cùng triển khai một gói kích thích kinh tế tài chính đồng bộ.
Đánh giá bi quan của G7 và nhu cầu nới lỏng chính sách tài khóa có thể giúp ông Abe tự tin đối mặt với phản ứng từ phe ủng hộ chính sách thắt chặt - những người muốn ưu tiên giải quyết vấn đề nợ công. Xét về tỷ trọng nợ công đối với quy mô của toàn bộ nền kinh tế, thì hiện nay, Nhật Bản đang nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ cao nhất thế giới.
Ông Abe cũng phân tích, so sánh mức độ suy giảm và diễn biến hiện nay với những gì đã xảy ra của thời kỳ khủng hoảng 2008 và cho rằng những điều này đang gây ra tác động tiêu cực đối các nước mới nổi, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu cơ bản để phát triển kinh tế.
Hải Châu