Vụ việc trên có thể coi là một vết nhơ cho ngân hàng phố Wall này, vốn nổi tiếng là có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ.
Ngậm quả đắng vì nhân viên
Vụ việc xảy ra cách đây gần 1 năm, trong đó, nhân vật chính là Rohit Bansal, một "tân binh" khi đó mới 29 tuổi, gia nhập Goldman sau 7 năm làm việc ở New York Fed. Chân ướt chân ráo đến chỗ làm mới được vài tuần, Rohit Bansal bất ngờ được một đồng nghiệp cũ liên lạc để gặng hỏi về một khách hàng của Goldman, là một ngân hàng quy mô trung bình ở New York.
Ngân hàng này thuộc phạm vi giám sát của Rohit Bansal thời còn làm việc ở New York Fed. Không hiểu do thiếu hiểu biết hay vì liều lĩnh mà Rohit Bansal đã chẳng ngại ngần "phổ biến" những thông tin bị gắn mác "mật" không chỉ cho một mà là nhiều đồng nghiệp tại Goldman.
Goldman sau đó đã tiến hành điều tra nội bộ và ngay lập tức sa thải Rohit cùng với cấp trên trực tiếp của mình, Joe Jiampietro. Joe Jiampietro cũng từng làm việc cho chính phủ Mỹ với vai trò là cố vấn cao cấp cho Sheila Bair, Chủ tịch công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC). Người đàn ông 37 tuổi này đã đóng góp đáng kể giúp FDIC dọn dẹp "bãi chiến trường" các ngân hàng yếu kém ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trước khi gia nhập Goldman năm 2011.
![]() |
Vụ việc có thể coi là một vết nhơ cho Goldman Sachs
Luật sư của Joe Jiampietro khẳng định thân chủ của mình bị vạ lây vì chỉ là người nhận được email của cấp dưới "ba hoa" về những thông tin nhạy cảm, chứ không hề có ý định lợi dụng hay làm gì sai trái.
Trong tuyên bố của mình, Goldman khẳng định "Chúng tôi không chấp nhận hành vi xâm phạm thông tin bí mật… Chúng tôi đã và đang rà soát lại các quy định nội bộ liên quan đến việc tuyển dụng những người từng làm việc cho các tổ chức chính phủ...".
Bản lý lịch công tác của Rohit Bansal quả thực không "đẹp đẽ" gì, khi từng bị New York Fed cho thôi việc vì cố ý làm giả giấy tờ để cầm một chiếc điện thoại BlackBerry công vụ ra nước ngoài. Sở Dịch vụ tài chính New York (DFS) đã chuyển hồ sơ cho Goldman, song Goldman vẫn nhận Rohit vào làm việc, để rồi mau chóng "ngậm quả đắng".
"Đối tác" của Rohit ở New York Fed, Jason Gross, cũng chính là người đã tuồn thông tin ra ngoài, đang thất nghiệp, sau khi bị New York Fed sa thải và phải đối mặt với mức tiền phạt có thể lên tới 100.000 USD cùng 1 năm tù giam
Chấn chỉnh hành vi ngành tài chính
Thông tin giám sát bí mật mà Rohit phát tán liên quan đến điểm đánh giá năng lực ban lãnh đạo của những ngân hàng mà New York Fed chịu trách nhiệm quản lý. Chỉ số này rất quan trọng đối với những ngân hàng muốn cải tổ, ví dụ thông qua mua bán sáp nhập. Nếu ban lãnh đạo một ngân hàng bị đánh giá là kém năng lực, thì rất khó để ngân hàng đó triển khai các biện pháp thay đổi quan trọng.
Gần 12 tháng kể từ khi sa thải Rohit Bansal, Goldman đã lên tiếng thừa nhận sơ suất của mình trong công tác quản lý nhân viên, đồng thời chấp nhận trả 50 triệu USD, mức phạt nặng nhất dành cho một hành vi như vậy, và chấp nhận 3 năm tới sẽ không ký hợp đồng tư vấn mới nào với khách hàng, thông báo của DFS cho biết.
Đây là vụ việc thứ tư liên quan đến mảng hoạt động tư vấn mà DFS phải vào cuộc. Trước đó, cơ quan này đã đưa ra nhiều mức phạt khác nhau cho hai công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, là Deloitte và PwC, cũng như công ty tư vấn tài chính và pháp lý Promontory.
Goldman Sachs được ví von như một "sân sau" của chính phủ Mỹ, khi có không ít nhân viên ngân hàng từng làm cho các cơ quan chính phủ, bao gồm cả Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Bộ Tài chính. Trong khi đó, theo chiều ngược lại, cựu Giám đốc điều hành ngân hàng này, ông Hank Paulson, từng thôi việc để làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Trong tuần tới, New York Fed dự kiến tổ chức một sự kiện tại trụ sở chính ở khu vực trung tâm Manhattan, không quá xa văn phòng của Goldman, về chủ đề "chấn chỉnh văn hóa và hành vi trong ngành dịch vụ tài chính".
Hùng Anh