Các hãng sản xuất chip như Intel Corp và Qualcomm Inc, công ty nghiên cứu di động InterDigital Wireless Inc và nhà mạng Hàn Quốc LG Uplus yêu cầu nhân viên của mình hạn chế bàn luận riêng với nhân viên Huawei - tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Việc nhân viên các hãng công nghệ trao đổi chuyên môn bên lề tại các hội nghị quốc tế vốn là chuyện hết sức bình thường.
Cẩn thận không thừa
Bộ Thương mại Mỹ thì chưa có chỉ đạo tương tự như vậy, cho dù chính cơ quan này đã ra quyết định đưa Huawei vào danh sách đen và cấm hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ mà chưa được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Tuy nhiên, vài ngày sau lệnh cấm, Bộ Thương mại Mỹ lại cho phép các công ty Mỹ được tiếp xúc với Huawei liên quan tới việc phát triển tiêu chuẩn công nghệ 5G.
Mặc dù có động thái nới lỏng này, song một số ít công ty công nghệ lớn của Mỹ vẫn “cẩn thận” yêu cầu nhân viên trong công ty hạn chế tương tác trực tiếp với Huawei, nguồn tin cho hay.
Intel và Qualcomm cho biết đã có hướng dẫn cụ thể cho nhân viên, nhưng không nói rõ nội dung hướng dẫn là gì. Trong khi đó, đại diện của InterDigital thông báo rằng đội ngũ các kỹ sư cũng được hướng dẫn để không vi phạm quy định của chính phủ Mỹ.
Một quan chức của LG Uplus khẳng định công ty chủ động giảm tiếp xúc với nhân viên Huawei, ngoài việc trao đổi về các vấn đề lắp đặt hoặc bảo trì thiết bị mạng. Phía Huawei chưa đưa ra bình luận nào.
Theo một số chuyên gia, việc các doanh nghiệp “né” Huawei có thể làm chậm quá trình triển khai 5G - một công nghệ được dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các ứng dụng trong cuộc sống, từ đường truyền video tốc độ cao cho đến xe tự lái.
Tại một cuộc họp về xây dựng tiêu chuẩn 5G diễn ra tại Newport Beach (California) tuần trước, không ít đại biểu đã bày tỏ lo ngại rằng sự hợp tác lâu dài giữa các kỹ sư của các doanh nghiệp công nghệ có thể trở thành nạn nhân của một “cuộc chiến công nghệ” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhân viên các hãng công nghệ Mỹ được khuyến cáo hạn chế giao du với Huawei |
Có phần thái quá?
Một số nhân viên tại các công ty viễn thông nhỏ hơn cho biết họ chưa nhận được chỉ đạo nào về việc tránh thảo luận với nhân viên Huawei tại các cuộc họp về tiêu chuẩn công nghệ và nhiều nhà cung cấp vẫn tiếp tục hỗ trợ các thỏa thuận hiện có với Huawei.
Doug Jacobson - một luật sư tại Washington, cho rằng các công ty cấm nhân viên “giao du” với Huawei là có phần thái quá, bởi thông thường chẳng ai lại cấm mọi người giao tiếp với nhau cả, mà chỉ cấm tiết lộ, chuyển giao công nghệ mà thôi.
Trong mắt chính phủ Mỹ, thiết bị Huawei có thể bị Trung Quốc sử dụng làm gián điệp và công ty này bỗng chốc trở thành điểm nóng trung tâm trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc bị chính phủ, quân đội hoặc tình báo của Trung Quốc chi phối.
Các công ty Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vốn đã không có tiếng nói chung về các tiêu chuẩn công nghệ Wi-Fi, mạng di động và nhiều công nghệ khác. Việc Bắc Kinh và Washington ăn miếng trả miếng thuế quan với nhau được dự báo là sẽ làm gia tăng rủi ro về nhiều bất đồng khác.
Huawei có vị thế nhất định trong một số tổ chức toàn cầu có vai trò xây dựng các thông số kỹ thuật về công nghệ. Là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về điện thoại thông minh, hay các bộ phận quan trọng của hệ thống mạng như bộ định tuyến và chuyển mạch, tiếng nói của Huawei đương nhiên là có trọng lượng và cần được tham khảo trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm không xảy ra sự cố đối với khách hàng khi triển khai trên thực tế, đặc biệt là mạng 5G trong tương lai.
Hải Châu