Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng quyết định này của IMF đa phần mang tính chính trị, nhằm khuyến khích nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng trưởng mạnh hơn.
Bước tiến dài của Trung Quốc
“Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình mà chắc chắn sẽ có nhiều cải cách hơn nữa”, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết sau khi Ban điều hành của tổ chức này nhất trí để NDT trở thành đồng tiền tệ dự trữ thứ năm trong rổ tiền tệ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt).
SDR, ra đời từ năm 1969, không phải là một loại tiền tệ thực, mà nó cho phép nước thành viên IMF nào sở hữu SDR nắm giữ các đồng tiền thuộc giỏ tiền tệ - hiện nay là đồng USD, euro, Yên Nhật và Bảng Anh - để đáp ứng nhu cầu của cán cân thanh toán.
Quyền quyết định cao nhất trong nội bộ IMF, xem có cho phép NDT được gia nhập SDR hay không, nằm trong tay của một hội đồng, gồm các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ 188 nước thành viên. Hội đồng này giao phần lớn quyền hạn của mình cho Ban điều hành gồm 24 giám đốc. Cuộc họp ngày 30/11 vừa qua quan trọng đến mức đã hạn chế số thành viên tham dự, thậm chí cả đội ngũ nhân viên hỗ trợ cũng phải đứng ngoài.
Dù quyết định của IMF phải đến cuối năm sau mới có hiệu lực, nhưng có thể vẫn đủ sức tạo ra cú hích đối với nhu cầu về NDT trên thế giới. IMF cho biết NDT sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 11% trong giỏ tiền tệ quốc tế, tức là đã nhiều hơn cả Yên Nhật và Bảng Anh.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc IMF công nhận NDT trong SDR mang tính tượng trưng nhiều hơn là ý nghĩa thực tế đối với lĩnh vực tài chính, bởi nó được dùng chủ yếu làm đơn vị tiền tệ cho các khoản vay của IMF, chứ chưa hẳn đã là một loại tài sản có thể mua bán rộng rãi trên toàn thế giới.
Tiến độ của Bắc Kinh trong việc gắn giá trị đồng tiền với cung cầu thị trường tiền tệ, tăng cường hệ thống tài chính, nâng cao năng lực các định chế kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn mới chính là những yếu tố quyết định để giới đầu tư và ngân hàng trung ương các nước cân nhắc xem có nên tin tưởng NDT mà mua đồng tiền này trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình hay không.
NDT chưa hẳn đã là một loại tài sản có thể mua bán rộng rãi trên toàn thế giới
Trung Quốc vẫn phải thuyết phục thế giới
Nói cách khác, việc được IMF ủng hộ không hẳn là chiến thắng cuối cùng cho Bắc Kinh, mà lại là mở đầu cho chặng đường thách thức phía trước, để chứng minh rằng mình “xứng đáng” với vinh dự đó.
Không phải là không có những ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể rút lại những cam kết từng hứa hẹn về cải cách, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước này không còn giữ được đà tăng trưởng, còn chính phủ lại giảm tốc độ mở cửa thị trường tài chính do e ngại dòng vốn đầu tư tháo chạy ra khỏi biên giới. Và như để trấn an, bà Lagarde cho biết IMF sẽ tiếp tục theo dõi NDT, để bảo đảm rằng nó đáp ứng đủ yêu cầu của một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Trong vòng 1 năm qua, Bắc Kinh đã tung ra một loạt chính sách, bao gồm tự do hóa lãi suất triệt để hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn… nhằm “ghi điểm” với IMF.
Ông Ted Truman - chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, đồng thời từng giữ chức vụ cao cấp trong Bộ Tài chính Mỹ, nhận định những nỗ lực nêu trên của Trung Quốc là không thể phủ nhận nhưng vẫn chưa thể tạo ra một “bản lý lịch” đủ thuyết phục.
Đó cũng chính là lý do khiến nhiều nhà kinh tế và giới quan sát Trung Quốc cho rằng quyết định của IMF mang ý nghĩa chính trị là chính, với mục tiêu thúc đẩy Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn, khi vị thế trên trường quốc tế được nâng cao.
Hùng Anh