Nhà máy sản xuất chip lớn nhất Vương quốc Anh (Newport Wafer Fab). |
Theo một báo cáo từ CNBC trích dẫn các nguồn ẩn danh, Nexperia - công ty có trụ sở tại Hà Lan, trực thuộc Tập đoàn Wingtech Technology của Trung Quốc - xác nhận đang đàm phán để hoàn tất thỏa thuận mua Newport Wafer Fab (NWF) và dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần sau.
Nhà máy chip tư nhân NWF được thành lập vào năm 1982, có trụ sở tại thành phố Newport, miền nam xứ Wales. Đây là doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu tại Vương quốc Anh.
Trong khi đó, Nexperia có nguồn gốc từ một thương vụ mua lại của Trung Quốc. Công ty được thành lập vào năm 2017 khi một tập đoàn do các công ty tài chính Jianguang Asset Management và Wise Road Capital đứng đầu mua lại đơn vị kinh doanh sản phẩm tiêu chuẩn của NXP Semiconductors với giá 2,75 tỷ USD.
Tin tức về thỏa thuận sẽ được đưa ra vào đầu tuần tới. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là một phần dẫn đến cuộc chiến công nghệ kéo dài thời gian qua. Các công ty của Trung Quốc bị cắt đứt khỏi chuỗi sản xuất các con chip bằng công nghệ có xuất xứ từ Mỹ. Điều đó buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy sự tự chủ về công nghệ, dẫn đến nguồn lực được đổ vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng vẫn là một thách thức đối với việc mua lại. Mới tháng trước, Mỹ cho biết họ sẽ xem xét đề xuất mua lại nhà sản xuất chip Hàn Quốc Magnachip của quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc Wise Road Capital, mặc dù thực tế thương vụ này không liên quan đến công nghệ cốt lõi của chất bán dẫn quốc gia có thể bị rò rỉ.
CNBC đưa tin, một số chuyên gia và quan chức Anh đã bày tỏ lo ngại về an ninh quốc gia từ thỏa thuận này.
Ông Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, cho biết thỏa thuận Magnachip có thể là một thương vụ khó bán đối với các cơ quan quản lý của Mỹ trong môi trường hiện tại. “Cách đây không lâu, loại thỏa thuận này sẽ không được xem xét”.
Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Anh - đã bày tỏ lo ngại về việc công ty Trung Quốc thôn tính NWF.
“Tôi phải nhấn mạnh rằng việc nhà máy bán dẫn hàng đầu Anh bị doanh nghiệp Trung Quốc mua lại sẽ gây ra những lo ngại lớn về kinh tế và an ninh quốc gia”, ông Tugendhat viết trong thư gửi Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng.
Phản ứng lại, người phát ngôn của chính phủ Anh tuyên bố: “Chúng tôi biết việc Nexperia muốn mua lại NWF. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và không ngần ngại sử dụng Luật doanh nghiệp nếu tình hình thay đổi”.
NWF đang nợ HSBC khoảng 27,6 triệu USD và nợ chính phủ Wales 24,8 triệu USD. Nguồn tin của CNBC cho biết NWF sẽ trả hết nợ sau khi bán mình cho công ty Trung Quốc. CEO Drew Nelson - cổ đông chính của NWF - sẽ bỏ túi 20,7 triệu USD.
Thời gian qua, chính quyền một số quốc gia đã ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các công ty bán dẫn. Mới đây, Hàn Quốc mở cuộc điều tra sau khi Wise Road Capital - tập đoàn có trụ sở tại Bắc Kinh - đạt thỏa thuận mua lại công ty bán dẫn MagnaChip.
Hồi tháng 3, chính phủ Italy chặn công ty Trung Quốc Shenzhen Investment Holdings mua cổ phần kiểm soát tại LPE, công ty bán dẫn có trụ sở tại Milan. Nhà chức trách Italy mô tả ngành bán dẫn "có tầm quan trọng chiến lược".
Đáp lại làn sóng lo ngại từ nhiều bên, người phát ngôn của Nexperia cho biết công ty vẫn đang trao đổi với NWF và chính phủ xứ Wales, từ chối bình luận thêm cho đến khi có kết luận.
Thành An