Martin đã mở một cửa hàng chuyên kinh doanh mắt kính tại thành phố Taoyuan - phía Bắc hòn đảo Đài Loan. Martin cho rằng anh sẽ không thể thực hiện được điều này nếu mình vẫn sống ở Hồng Kông, bởi vì chi phí cho việc mở cửa hàng sẽ cao gấp 3 lần.
Chi phí cơ hội thấp hơn
“So với Đài Loan, chi phí vận hành ở Hồng Kông là quá cao. Với cùng một số vốn, bạn có thể dễ dàng xây dựng doanh nghiệp và thương hiệu ở Đài Loan hơn”, Martin nói.
Chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà đắt đỏ ở Hồng Kông khiến cho cuộc sống của nhiều thanh niên như Martin hết sức khó khăn. “Thế hệ chúng tôi ở Hồng Kông không thể chắc chắn được tương lai của mình. Có thể mức lương của chúng tôi sẽ cao hơn, nhưng sau khi trừ đi các khoản tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, chúng tôi chẳng thể tiết kiệm được nhiều”, Martin tâm sự.
Ngoài ra, sự thay đổi môi trường chính trị ở Hồng Kông trong những năm gần đây cũng là một nguyên nhân khiến Martin quyết định sẽ chuyển đi nơi khác và Đài Loan, là sự lựa chọn đích đến của anh.
Tại Hồng Kông, người dân không được trực tiếp bầu ra lãnh đạo của mình. Thay vào đó, vị trí này chỉ được bầu nội bộ trong một hội đồng gồm 1.200 thành viên. Martin nói thêm rằng những xô xát giữa tầng lớp sinh viên với các quan chức được hậu thuẫn bởi chính quyền trung ương Bắc Kinh và gây nên nhiều vụ bắt bớ hàng loạt hồi năm 2014 cũng góp phần khiến nhiều người trẻ ở Hồng Kông tỏ ra bi quan.
![]() |
Đài Loan đang là đích đến được nhiều người Hồng Kông lựa chọn
Theo các dữ liệu thống kê mới nhất, ngày càng nhiều thanh niên như Martin muốn định cư tại Đài Loan. Cụ thể, theo cơ quan nhập cảnh Đài Loan, số lượng công dân Hồng Kông di cư đến hòn đảo đã tăng 40% trong năm 2016, mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Họ cũng chiếm đến 80% tổng số lượng người nước ngoài nhận được thẻ cư trú dài hạn của hòn đảo nhỏ này.
Nhập cư kéo theo dòng vốn
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho kết quả có đến 40% số người được hỏi muốn đi khỏi Hồng Kông và đa số muốn chọn Đài Loan là nơi đến.
Và, không chỉ có dòng người nhập cư, số vốn đầu tư vào Đài Loan từ Hồng Kông và Macau cũng tăng 60% so với năm 2015, đạt 600 triệu USD vào năm ngoái.
Heman Ko là một người đàn ông nhập cảnh vào Đài Loan từ Hồng Kông từ cách đây 30 năm. Ông mới thành lập Hiệp hội Hồng Kông - Macau cách đây nửa năm, để cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nhập cảnh vào Đài Loan. Ông nói: “Với cùng một số tiền như nhau, người Hông Kông ở Đài Loan có thể thuê và có được cho mình một môi trường sống dễ chịu hơn rất nhiều. Đó là lý do chính”. Thêm nữa, chi phí nhập cư vào Đài Loan theo hình thức đầu tư chỉ mất khoảng 200.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác.
Rõ ràng, sự mất mát của Hông Kông lại mang lại lợi nhuận cho Đài Loan. Dòng người nhập cư sẽ mang lại nguồn vốn và cải thiện môi trường của Đài Loan cũng như là nguồn lao động trẻ, có kỹ năng cao.
Chí Hiếu