Nếu thực tế đó xảy đến, thiệt hại sẽ là rất lớn đối với một nền kinh tế có thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới và là nơi đặt trụ sở của hàng trăm công ty nước ngoài.
Cuộc sống thấp thỏm
Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings Ltd. cho rằng việc sụt giảm uy tín của Hồng Kông trên trường quốc tế là một trong những lý do khiến họ phải hạ bậc tín nhiệm của thành phố này vào cuối tuần trước. Fitch nhận định dư luận Hồng Kông vẫn còn bức xúc ngay cả sau khi Trưởng đặc khu Carrie Lam rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Fitch, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay tại một khu vực đông dân cư để giải tán những người biểu tình. Sang ngày thứ Bảy, người biểu tình đã chặn một con đường chính ở khu dân cư và mua sắm sầm uất Mong Kok, đồng thời phóng hỏa một rào chắn gần đồn cảnh sát. Những cảnh tượng tương tự tiếp tục diễn ra ở khu vực trung tâm vào Chủ nhật.
Hồng Kông vốn là điểm đến đầy sức hút đối với giới ngân hàng, luật sư và nhiều ngành nghề khác từ khắp nơi trên thế giới nhờ không gian và lối sống đô thị tràn đầy năng lượng, tỷ lệ tội phạm không đáng kể và chính sách thuế ưu đãi, bất chấp giá thuê nhà đắt đỏ và diện tích sống tương đối chật hẹp. Tính tại thời điểm cuối năm 2018, nơi đây có hơn 650.000 cư dân nước ngoài, bên cạnh hơn 1 triệu người Trung Quốc đại lục đã định cư tại thành phố 7,5 triệu dân này kể từ năm 1997.
Mặc dù chính quyền Hồng Kông không công bố số liệu thống kê toàn diện về tình hình nhập cư đủ để đánh giá chính xác tác động của tình trạng bất ổn thời gian qua, song đã có những dấu hiệu cho thấy số lượng người nước ngoài đang giảm dần.
Số lượng đơn xin cấp thị thực lao động nói chung đã giảm 7% trong tháng 8/2019 so với một năm trước đó. Số lượng người không cư trú (chỉ lưu trú 1 - 3 tháng) đã giảm 4,1% trong nửa đầu năm nay, mức giảm lớn nhất trong suốt 1 thập kỷ qua.
Các diễn đàn trên mạng có nhiều người nước ngoài hỏi nhau về việc có nên rời Hồng Kông để sinh con hay không, trẻ em sử dụng phương tiện giao thông công cộng có an toàn không và có nên rời hẳn thành phố này không.
![]() |
Tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông ngày càng quan ngại |
Vì cuộc sống mưu sinh
Trong khi đó, vẫn có nhiều người nước ngoài tuyên bố sẽ ở lại. Một số cho rằng tình trạng hỗn loạn không tác động nhiều đến cuộc sống hàng ngày của họ và Hồng Kông sẽ vượt qua cơn bão này giống như đã làm được trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 và đại dịch SARS năm 2003.
Số khác không muốn rời đi vì lý do kinh tế. Trong một cuộc khảo sát của công ty giới thiệu việc làm Helper Choice đối với 982 người giúp việc gia đình đến từ Philippines, 45% cho biết họ lo lắng về các cuộc biểu tình nhưng chưa sợ hãi đến mức phải rời khỏi Hồng Kông, nơi mức lương thường cao hơn nhiều so với ở quê nhà.
Nhận thức được rủi ro đối với hình ảnh của mình, chính quyền Hồng Kông đã mua quảng cáo toàn trang trên các tờ báo quốc tế để truyền đi thông điệp: “Chúng tôi vẫn là một xã hội an toàn, cởi mở, hiếu khách, mang tính toàn cầu và là một nền kinh tế năng động, kết nối quốc tế. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại. Luôn là như vậy”.
Không chỉ người nước ngoài từ các nước phương Tây quan ngại, mà cả người Trung Quốc đại lục sang Hồng Kông làm việc cũng lo ngay ngáy. Lý do là người Hồng Kông bản địa có vẻ không chào đón người dân từ đại lục khi các cuộc biểu tình leo thang. Một cán bộ ngân hàng Trung Quốc sống ở thành phố này gần 10 năm cho biết vợ ông khuyến cáo ông không nên nói tiếng quan thoại phổ thông ở nơi công cộng. Họ đã lên kế hoạch nghỉ hưu ở Hồng Kông, nơi người dân nói tiếng Quảng Đông, nhưng rồi phải chuyển sang phương án Thâm Quyến cho an toàn.
Hải Châu