Cùng với đó, chính sách thu nhập của các công ty này cũng bị giới hạn để không vượt quá tiền lương của quan chức chính phủ.
Mặc dù nổi tiếng là gần như hoàn hảo nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng của Thụy Sỹ, trong mắt những người ủng hộ các sáng kiến chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành tổ chức phi lợi nhuận, đã xuống cấp ít nhiều.
Họ cho rằng nếu doanh nghiệp không còn phải bận tâm chạy theo lợi nhuận nữa thì chất lượng dịch vụ công ích sẽ được nâng cao, trong khi giá cả lại rẻ hơn.
Lấy lương công chức làm “trần”
Là người trong cuộc, Swisscom lập tức lên tiếng cảnh báo rằng đề xuất nêu trên nếu được thông qua sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế “bất lợi hoàn toàn” so với các đối thủ cạnh tranh, trong đó có cả những gã khổng lồ phủ bóng thế giới như Google và Facebook.
Đại diện Snisscom còn cho rằng chẳng cần phải chuyển đổi thì bản thân doanh nghiệp cũng đã và đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trong khi vẫn tìm cách giảm giá dịch vụ và không phải đụng đến tiền của Nhà nước.
Mặc dù hoạt động không khác gì công ty viễn thông tư nhân ở các nước khác nhưng Swisscom có tới 51% cổ phần thuộc sở hữu của chính phủ Thụy Sỹ. Hàng loạt công ty đường sắt và bưu chính của Thụy Sỹ cũng sẽ nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng.
Chịu tác động trực tiếp nhất và sớm nhất hẳn sẽ là chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương trả cho người lao động tại những công ty kể trên không còn được phép vượt quá mức thu nhập của cán bộ có vị trí tương đương trong chính phủ liên bang nữa.
Năm 2015, Giám đốc điều hành Swisscom, ông Urs Sch_ppi, kiếm được 1,8 triệu frăng Thụy Sỹ (SFr) (tương đương 1,81 triệu USD) – một khoản tiền tương đối khiêm tốn so với thu nhập trung bình của ngành viễn thông thế giới, nhưng lại gấp 4 lần mức lương của một Bộ trưởng trong nội các Thụy Sỹ. Ông Andreas Meyer, Giám đốc điều hành công ty đường sắt SBB, cũng được trả hơn một triệu SFr.
Đứng về phía doanh nghiệp, chính phủ Thụy Sỹ dường như không ủng hộ đề xuất chuyển đổi với lý do doanh nghiệp nhà nước mà bị giới hạn “khả năng cạnh tranh và tự do kinh doanh” thì chất lượng dịch vụ công tất yếu sẽ đi xuống.
Mặc dù là một đất nước có thị trường tự do, cởi mở, song kết quả thăm dò tạm thời cho thấy đa số cử tri Thụy Sỹ ủng hộ đề xuất có phần “cưỡng chế” này, chứng tỏ người dân Thụy Sỹ nói riêng và châu Âu nói chung đang có xu hướng quay lại thời kỳ “tiền cổ phần hóa”, thời điểm mà nhiều dịch vụ công được “bao cấp” mà vẫn đảm bảo chất lượng; trong khi hiện nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp được trả lương quá cao so với đóng góp thực tế.
![]() |
Người dân Thụy Sỹ bỏ phiếu để chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước
Xu hướng hoài cổ
Một ví dụ khác để chứng minh Thụy Sỹ là nước tiên phong với những ý tưởng kinh tế mạnh dạn chính là việc bỏ phiếu, cũng trong ngày 5/6, xem có áp dụng chính sách “thu nhập cơ bản vô điều kiện” cho tất cả người dân hay không, bất kể họ có làm việc hay thất nghiệp, giàu hay nghèo, đóng góp vào hệ thống phúc lợi nhiều hay ít.
Khái niệm “thu nhập cơ bản vô điều kiện” nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia trên thế giới những năm gần đây, với lý do nó có thể giúp khắc phục nhiều lỗ hổng của hệ thống an sinh xã hội và giảm thiểu biến động trên thị trường lao động do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.
Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sỹ đang phản đối ý tưởng này trên cả phương diện chi phí lẫn căn cứ thực tế, và các cuộc thăm dò cho thấy kết quả có lẽ đã an bài như thế.
Mặc dù có những lợi ích không thể phủ nhận như minh bạch hóa tài chính, tinh giản chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, khuyến khích đầu tư cá nhân, hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng “thu nhập cơ bản vô điều kiện” có thể khiến người dân trở nên lười lao động vì họ biết kiểu gì cũng có một khoản tiền “lận lưng”.
Hải Châu