Mức tăng này có thể đuổi kịp các quốc gia như Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Đó là kết quả của các dữ liệu thống kê được tổ chức Euromonitor đưa ra.
Dần tiệm cận với phương Tây
Báo cáo cũng cho thấy, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện kỹ năng lao động của 1,4 tỷ người. Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng năng suất lao động cũng đồng thời khiến mức lương trung bình bị đẩy cao hơn. Điều này cũng sẽ khiến cho Trung Quốc mất nhiều việc làm vào các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.
Báo cáo của Euromonitor cũng nói thêm, trong khi tiền lương ở Trung Quốc ngày một tăng cao, thì chi phí lao động ở các quốc gia châu Mỹ Latinh gần như không đổi và thậm chí còn sụt giảm. Đặc biệt, tại Hy Lạp, tiền lương theo giờ đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2009. Ngay cả tại Ấn Độ, nơi có tốc độ tăng trưởng tài chính rất nhanh, tiền lương gần như không đổi và giữ ở mức rất thấp kể từ năm 2007, chỉ 0,7 USD mỗi giờ.
Ông Charles Robertson - kinh tế trưởng tại Renaissance Capital, cho biết Trung Quốc đã dần tiệm cận với các quốc gia phương Tây, trong khi các thị trường mới nổi khác thì không như vậy.
![]() |
Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện kỹ năng lao động
Cụ thể, chỉ trong giai đoạn từ năm 2005 - 2016, thù lao trung bình trong ngành sản xuất ở Trung Quốc đã tăng lên mức 3,6 USD mỗi giờ, gấp 3 lần so với năm 2005. Trong khi đó, chi phí nhân công của Brazil giảm xuống từ 2,9 USD xuống còn 2,7 USD, còn ở Mexio thì giảm từ 2,2 USD xuống 2,1 USD. Mức thù lao này cũng cao hơn các quốc gia khác như Argentina, Columbia và Thái Lan.
Ông Alex Wolf - chuyên gia kinh tế tại tổ chức Customary Life Investments, lý giải một phần nguyên nhân của việc tiền lương liên tục tăng tại Trung Quốc là do quốc gia này đã trở thành thành viên của WTO.
Năng suất tăng nhanh hơn lương
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, hiện tượng tăng tiền lương ở Trung Quốc cũng xảy ra với nhiều lĩnh vực khác. Tính trung bình tất cả các ngành, mức thù lao ở Trung Quốc đã tăng từ 1,5 USD mỗi giờ vào năm 2005 lên tới 3,3 USD, tính đến cuối năm ngoái. Con số này cao hơn Brazil, Mexico, Colombia, Thái Lan và Philippines.
Dù vậy, bà Oru Mohiuddin - chuyên gia phân tích kỹ thuật của Euromonitor, cho biết năng suất lao động của Trung Quốc còn tăng nhanh hơn tiền lương của họ. “Cần phải đặt các con số thống kê vào đúng hoàn cảnh của nó. Tiền lương tại Trung Quốc tăng, nhưng lợi nhuận mà ngành sản xuất mang lại vẫn lớn hơn mức bù đắp cho chi phí nhân công cao”, bà Oru cho biết.
“Thêm nữa, theo các dự báo, quy mô thị trường của Trung Quốc sẽ tăng lên mức 20% của toàn bộ thị trường thế giới, ngang bằng với khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu. Con số này vượt xa so với Ấn Độ (4,4%) hay Brazil (3,3%). Do vậy, các nhà sản xuất sẽ vẫn tiếp tục đặt nhà máy ở Trung Quốc”, bà Oru nói thêm.
Tuy nhiên, “Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một số tình trạng như sự già hóa dân số khiến lực lượng lao động bị thu hẹp và điều này sẽ tạo áp lực lớn lên mức tiền lương trong những năm tới”, ông Robertson nhận định.
Chí Hiếu