Giám đốc điều hành SoftBank, ông Masayoshi Son, cho biết việc mua lại ARM đánh dấu một sự chuyển đổi mô hình của SoftBank hướng tới “Internet của vạn vật” (Internet of Things - IoT) khi ông dự đoán rằng nhu cầu kết nối Internet ngay trên các thiết bị hàng ngày như ô tô, tủ lạnh... sẽ trở thành tất yếu và tăng trưởng mạnh. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của SoftBank.
Cái tên lạ mà quen
Theo lời Giám đốc điều hành ARM, ông Simon Segars, quá trình đàm phán diễn ra vô cùng khẩn trương và chỉ mất 2 tuần là xong.
Thương vụ tưởng là chóng vánh bất ngờ nêu trên thật ra không phải là suôn sẻ từ A đến Z, bởi ngay từ ban đầu, lãnh đạo của ARM tỏ ra không mặn mà lắm với lời đề nghị của SoftBank.
Trong thâm tâm, ông Segars luôn suy nghĩ ARM là một công ty độc lập chứ không muốn bị phụ thuộc vào bất kỳ ai. Phải đến khi được CEO SoftBank đảm bảo rằng ARM sẽ tiếp tục duy trì hoạt động như hiện nay, thì ông Segars mới xuôi lòng.
Với đại đa số người tiêu dùng, ARM là cái tên tương đối xa lạ dù đã có xấp xỉ 30 năm tuổi đời và không phải ai cũng biết rằng công ty này chính là đơn vị thiết kế bộ vi xử lý cho các sản phẩm của Apple và Samsung.
Việc mua lại ARM đánh dấu một sự chuyển đổi mô hình của SoftBank
Là công ty công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán Luân Đôn, năm 2015, ARM đạt được 1,5 tỷ USD doanh thu và xấp xỉ 450 triệu USD lợi nhuận. ARM có khoảng 4.000 nhân viên với 1.600 người làm việc tại Anh.
Cho dù nhu cầu trên thị trường smartphone có dấu hiệu hạ nhiệt và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ARM thời gian gần đây, nhưng công ty này đã biết cách đa dạng hóa rủi ro và tập trung vào mảng thiết kế chip cho các thiết bị mạng.
ARM ước tính sẽ tăng thị phần trong lĩnh vực này từ 15% lên 45% vào năm 2020. Song song với đó, ARM cũng sẵn sàng thách thức thế độc quyền của Intel trong lĩnh vực thiết kế chip cho các máy chủ cỡ lớn.
Bên cạnh đó, ARM còn dành nhiều nguồn lực để thiết kế chip cho các thiết bị IoT, chẳng hạn như chip bóng đèn có khả năng lưu trữ thông tin về mức độ tiêu tốn năng lượng trước khi truyền dữ liệu lên Internet. Một số thiết bị IoT không đòi hỏi chip mạnh như smartphone mà chỉ cần loại nhỏ và đủ dùng như sản phẩm do ARM phát triển.
Từ công nghệ ngược về hạ tầng
Đánh giá về cú thâu tóm của Softbank, các chuyên gia cho rằng việc một doanh nghiệp khai thác viễn thông “lội ngược chuỗi giá trị” để mua lại một công ty thiết kế chip là chuyện “xưa nay hiếm”, giống như người thợ làm bánh bỏ qua nhà cung cấp bột mì để thâu tóm hẳn nhà sản xuất thiết bị làm bột mì vậy. Song, ít nhất nó cũng cho thấy sự thay đổi góc nhìn của lãnh đạo SoftBank, cụ thể ở đây là CEO Son, về tương lai của công nghệ.
Ông Son được biết đến là người có rất nhiều ý tưởng táo bạo và bất ngờ. SoftBank được thành lập năm 1984, với hoạt động ban đầu chỉ là phân phối phần mềm, thậm chí có thời điểm sở hữu cả một nhà xuất bản tạp chí và chuyên tổ chức hội chợ thương mại.
Những năm 2000, thông qua con đường mua bán sáp nhập, ông Son biến SoftBank trở thành một trong ba công ty viễn thông lớn của Nhật Bản, và đến ngày nay, mảng dịch vụ di động tại Nhật Bản vẫn giữ vai trò “gà đẻ trứng vàng” cho công ty.
Ở thị trường nước ngoài, ông Son đã chỉ đạo việc thâu tóm cổ phần chi phối tại nhà mạng Sprint của Mỹ, trước khi bước chân vào dịch vụ internet với hàng loạt khoản đầu tư vào các công ty thương mại điện tử châu Á.
Để có thể “chịu chơi” dùng toàn bộ tiền mặt mua lại ARM, trước đó SoftBank đã gom góp được 17 tỷ USD từ việc thoái vốn khỏi Alibaba Group (Trung Quốc) và nhà phát triển trò chơi di động Supercell (Phần Lan).
Hải Châu