Trung Quốc chiếm hơn 1/4 nhu cầu vàng toàn cầu, nhưng giao dịch kim loại quý vẫn chủ yếu là “sân chơi” của các ngân hàng phương Tây, diễn ra tại những thị trường truyền thống như London hay New York.
Thu hút khách phương Tây
Sau khi thương vụ hoàn tất, dự kiến tháng 7/2016, ICBC Standard Bank sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc sở hữu hầm cất giữ kim loại quý ở London. Đầu tư cho một cái hầm như vậy là sự lựa chọn hợp lý để rót tiền vào hạ tầng trong lĩnh vực này, từ đó ICBC Standard Bank có cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường.
ICBC Standard Bank được thành lập năm 2015, sau khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) - ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản - thâu tóm cổ phần chi phối mảng nghiệp vụ thị trường của Standard Bank.
Nắm trong tay một trong những hầm chứa kim loại quý lớn nhất châu Âu, không chỉ hứa hẹn mang về nguồn thu ổn định cho ICBC Standard Bank từ phí dịch vụ, mà còn giúp ngân hàng mẹ “mở mày mở mặt”. Từ giờ trở đi, ICBC có thừa tự tin để nói với khách hàng, rằng “ngân hàng chúng tôi có hẳn một hầm chứa kim loại quý ở London đấy nhé”. Còn khách hàng phương Tây cũng có thể yên tâm sử dụng dịch vụ của ICBC hơn, khi biết rằng vàng của mình vẫn nằm ở London chứ không bị đem sang Trung Quốc.
Với sức chứa lên đến 2.000 tấn và đặt tại một địa điểm bí mật, hầm chứa này vẫn thường được nhà đầu tư, thợ kim hoàn, doanh nghiệp khai khoáng và thậm chí là chính phủ một số nước lựa chọn để cất trữ vàng, bạc, bạch kim hay palladium.
Các hầm chứa kim loại quý có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi kim loại quý ít được sử dụng trong công nghiệp như đồng hay chì, mà chủ yếu dùng làm phương tiện cất giữ giá trị. Việc được giao dịch liên tục với quy mô số lượng lớn, khiến kim loại quý khó chọn được nơi cất trữ nào an toàn và tiện lợi hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường kim loại quý London mới chỉ có 7 nhà cung cấp dịch vụ hầm lưu trữ, trong đó có Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và HSBC.
ICBC có cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường
Dấu chân Trung Quốc ở London
Ông Mark Buncombe, phụ trách mảng kinh doanh hàng hóa tại ICBC Standard Bank, cho biết việc mua lại tài sản của Barclays giúp nhà băng “đẩy nhanh chiến lược trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc trên thị trường kim loại quý”.
Tháng 6 tới đây, ICBC Standard Bank sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua vừa mới thành lập đã được tham gia tổ chức điều hành hệ thống thanh toán bù trừ kim loại quý London.
ICBC Standard Bank cũng vừa được công nhận là thành viên thứ 13 tham gia tạo lập giá vàng tham chiếu của Liên đoàn Thị trường kim loại quý London (LBMA). Trước đó, Trung Quốc đã có hai ngân hàng, là Ngân hàng Trung ương (BOC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB).
Lĩnh vực kinh doanh kim loại cũng đang “hot” tại Trung Quốc, khi giới đầu tư nước này đổ xô đầu tư vào quặng sắt, trong khi giao dịch hợp đồng tương lai đối với sản phẩm đồng và thanh cốt thép sử dụng trong xây dựng diễn ra vô cùng sôi động ở Thượng Hải.
Tuy nhiên, khi nói đến kim loại quý, đặc biệt là vàng, thì London vẫn là “sân khấu lớn”. Theo thống kê của LBMA, chỉ riêng trong tháng 3/2016, khoảng 407 triệu ounce vàng ròng đã được giao dịch giữa các thành viên của tổ chức này.
Barclays khai trương hầm chứa kim loại quý vào năm 2012, sau một năm xây dựng, đúng thời điểm vàng rớt giá sau một thập kỷ chỉ có tăng và tăng. Dần dần, Barclays cũng phải rút khỏi thị trường kim loại quý theo gương các ngân hàng, tổ chức kinh doanh hàng hóa khác như Deutsche Bank (Đức) hay Gunvor Group (Thụy Sỹ).
Năm 2014, hầu hết mảng kinh doanh hàng hóa của Barclays bị chuyển sang “chế độ” kém ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu theo hướng tinh giản. Một loạt các quy định mới trong ngành tài chính thời hậu khủng hoảng khiến các ngân hàng nhận ra rằng ý định kiếm lời từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, vốn đã không phải là một lĩnh vực “màu mỡ”, ngày càng “khó nhằn” hơn bao giờ hết.
Hải Châu