Đây có thể coi là “phốt” mới nhất của Stanchart, sau khi phải nộp phạt gần 1 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ các nước, cũng như mắc nhiều sai sót trong công tác phòng chống rửa tiền suốt 9 năm qua.
Cố tình “ôm rơm”
Kể từ ngày 22/2, tòa án tối cao Tanzania bắt đầu mở phiên điều trần, sau khi nhận được khiếu nại của một doanh nghiệp địa phương có tên VIP Engineering and Marketing (VIP) và cũng là nhà đầu tư trong dự án điện đang gây tranh cãi của Independent Power Tanzania Limited (IPTL).
Kể từ khi ra đời vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, dự án điện này luôn loay hoay với mối bất đồng nội bộ giữa hai nhà đầu tư tư nhân - VIP và Mechmar (Malaysia) - với chính phủ Tanzania, bên góp vốn đối ứng thông qua chính sách thuế. Thời điểm năm 2005, khi Stanchart mua lại khoản nợ 100 triệu USD từ IPTL với mức giá chỉ 76 triệu USD, IPTL đang trong giai đoạn phá sản, còn nhà đầu tư thì mải tranh chấp quyền lợi. Tuy nhiên, giữa mớ bòng bong đó, Stanchart vẫn quyết định theo đuổi chiến lược thu mua nợ xấu với hy vọng kiếm lời sau này.
Trong hồ sơ của mình, VIP yêu cầu StanChart, Mechmar và Wartsila - một tập đoàn kỹ thuật Phần Lan chịu trách nhiệm thi công - phải bồi thường tổng cộng 491 triệu USD, vì cho rằng 3 công ty trên đã bắt tay nhau bòn rút tiền dự án. Dĩ nhiên không doanh nghiệp nào thừa nhận nhận cáo buộc của VIP. Trong khi StanChart gọi đây là “một cáo buộc vô căn cứ”, thì Wartsila cho rằng kết luận đó “thật hoang đường”, bởi vai trò của họ trong dự án là rất bé nhỏ.
Trước đó, VIP từng có văn bản gửi tới tòa án Tanzania để chỉ ra những điểm khuất tất trong thương vụ mua nợ của Stanchart. Tài liệu mà VIP chuẩn bị phân tích một số điều khoản bất thường hợp đồng giữa Stanchart và bên bán nợ là một ngân hàng Malaysia, theo đó StanChart không yêu cầu ngân hàng Malaysia phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và hợp lệ của khoản vay. VIP cho rằng StanChart hẳn đã biết khoản nợ đó cực kỳ rủi ro, nhưng vẫn “ôm rơm vào lòng”.
Đội ngũ chuyên gia của VIP, gồm một luật sư người Anh và một học giả Hà Lan, còn viện dẫn tới phán quyết trọng tài ở New York năm 2001, về việc IPTL và Wartsila khai vống chi phí dự án cao hơn thực tế tới 30 triệu USD. Cùng với đó, VIP khẳng định một số điều khoản vay trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng Malaysia còn được “nhào nặn” để tạo điều kiện cho Wartsila và Mechmar bòn rút tiền từ dự án. Cuối cùng, VIP đi đến kết luận StanChart đã cố tình lờ đi những dấu hiệu bất bình thường và “nhắm mắt” mua lại “quả bom” này.
![]() |
Standard Chartered lại rơi vào cuộc chiến pháp lý
Từ đối tác thành đối đầu
Trong nhiều năm sau đó, StanChart đã vận động chính phủ Tanzania quốc hữu hóa IPTL rồi dựa vào lý lẽ cho rằng khoản nợ của IPTL là hợp pháp để 3 lần đưa vụ việc ra xét xử trọng tài quốc tế, trong đó có một lần yêu cầu Tanzania bồi thường.
Việc các bên “gây sự” lẫn nhau cứ thế diễn ra, tưởng như không có hồi kết. Trong năm 2015, StanChart từng khởi kiện VIP, sau khi doanh nghiệp này bán lại cổ phần của mình trong dự án tai tiếng trên cho một công ty khác của Tanzania.
Việc chuyển nhượng này được cho là có liên quan tới lạm dụng công quỹ và hối lộ cho quan chức chính phủ, căn cứ theo một báo cáo quốc hội Tanzania năm 2014, mà sau đó thổi bùng lên bê bối chính trị ở quốc gia châu Phi. VIP thì lên tiếng một mực phủ nhận hoàn toàn.
Đối với Stanchart, rắc rối ở Tanzania chỉ là một trong số nhiều cáo buộc nhằm vào ngân hàng vì dính dáng tới các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Trong vòng 9 năm trở lại đây, ngân hàng chủ yếu hoạt động tại các thị trường mới nổi này đã phải nộp phạt gần 1 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ các nước, cũng như mắc nhiều sai sót trong công tác phòng chống rửa tiền. Phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình và cam kết sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng, Stanchart hẳn sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý hứa hẹn rất dai dẳng.
Hùng Anh