Cụ thể, nhiều ngân hàng tại Hồng Kông có cùng quan điểm, rằng việc đào sâu phân tích tác động thị trường của giai đoạn bất ổn chính trị là quá nhạy cảm.
Trả giá vì phạm vùng cấm
Lãnh đạo của một ngân hàng châu Âu đang muốn thúc đẩy kinh doanh tại Trung Quốc đại lục cho biết, các chuyên gia phân tích của ngân hàng được khuyến cáo không nên nhắc đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong báo cáo nghiên cứu gửi cho khách hàng, ví dụ như các nhà đầu tư tổ chức.
Báo cáo của Macquarie, UBS và BNP Paribas về nhận định triển vọng năm 2020 không đề cập một chữ nào đến 6 tháng biểu tình đã làm rung chuyển thành phố, làm suy yếu ngành bán lẻ và du lịch. Nền kinh tế Hồng Kông đang trong thời kỳ suy thoái, trong khi Hang Seng là một trong những thị trường chứng khoán lớn hoạt động kém hiệu quả nhất trong năm nay.
Phát ngôn viên của UBS cho biết ngân hàng không có quy định nào hạn chế phạm vi viết bài tư vấn của các chuyên viên phân tích. Macquarie thì khẳng định các báo cáo của họ chỉ xoay quanh nền kinh tế toàn cầu. BNP Paribas chưa đưa ra bình luận nào.
Mục đích của các báo cáo nghiên cứu của ngân hàng là cung cấp thông tin chuyên sâu cho khách hàng là nhà đầu tư và cũng đồng thời khuyến khích khách hàng tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, tiền thu được từ những sản phẩm tư vấn này không phải là một nguồn thu lớn, so với các khoản phí bảo lãnh phát hành và bán nợ.
Thời gian qua, các ngân hàng ngày càng chú ý hơn đến việc các nghiên cứu của mình được đón nhận thế nào, sau khi xảy ra vụ việc UBS đánh rơi hợp đồng tư vấn một giao dịch trái phiếu quy mô lớn của một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc, chỉ vì một chuyên gia của ngân hàng có bình luận đôi lời về sự bùng phát của dịch cúm lợn.
Việc các ngân hàng phải trả giá vì phát hành báo cáo phân tích “phạm phải vùng cấm” không chỉ có ở Trung Quốc. Năm 2017, chính phủ Indonesia từng tạm thời cấm JPMorgan giao dịch trái phiếu tại các quốc gia này, vì “dám” hạ bậc triển vọng đầu tư đối với thị trường vốn cổ phần trong nước.
![]() |
Hồng Kông năm 2019 dự kiến sẽ vẫn là nơi hút dòng tiền tốt nhất thế giới |
Im lặng để yên ổn làm ăn
Trung Quốc đang là một thị trường giao dịch sôi động trong vài năm trở lại đây và các ngân hàng đầu tư đương nhiên không muốn phải đứng ngoài cuộc chơi.
Hồng Kông năm 2019 dự kiến sẽ vẫn là nơi hút dòng tiền tốt nhất thế giới, vượt qua Sở giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq. Thương vụ niêm yết tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tại Hồng Kông với trị giá 13 tỷ USD được bảo lãnh bởi các ngân hàng Phố Wall như Morgan Stanley và Citi.
Theo ông Andy Xie - một chuyên gia kinh tế độc lập, Trung Quốc rất để ý đến các bài viết phân tích của các ngân hàng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến tính chính xác về chính trị trong tài chính, bao gồm cả các nghiên cứu tài chính”, ông Xie nói. Ông từng phải nghỉ việc ở Morgan Stanley năm 2006 sau khi những bình luận cá nhân của ông về chính phủ Singapore bị phát tán ra bên ngoài.
Các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng đầu tư Trung Quốc, ông Xie cho hay. Điều này khiến họ càng có ý thức né tránh những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra ở đây nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Các ngân hàng đầu tư quốc doanh của Trung Quốc thì càng hiển nhiên phải tránh xa chủ đề biểu tình ở Hồng Kông. “Tất nhiên, sự nhạy cảm của vấn đề là lý do tại sao các nhà phân tích cần né tránh”, theo lời cán bộ một ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Người này cũng cho rằng các ngân hàng quốc doanh khác cũng phải bỏ qua chủ đề đó và yếu tố chính trị đằng sau tình trạng bất ổn ở Hồng Kông vượt quá phạm vi chuyên môn đơn thuần của các nhà phân tích.
Hải Châu