Trong tuyên bố mới nhất hôm 14/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định rằng so với dự kiến ban đầu, tiến độ các ngân hàng dịch chuyển các phòng ban chức năng, các hoạt động kinh doanh chính từ Anh sang Liên minh châu Âu (EU) là chậm hơn đáng kể. ECB cho rằng một số ngân hàng không thể tiếp tục lệ thuộc vào việc phục vụ khách hàng EU từ các chi nhánh của họ ở nước Anh.
Chậm trễ là mất tiền!
“Mặc dù các rủi ro liên quan đến Brexit không thỏa thuận đối với sự ổn định tài chính chung của khu vực đồng euro là có thể kiểm soát được (như đã đề cập trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính của ECB vào tháng 5/2019), ECB hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”, thông báo của ECB nêu rõ.
Với việc ngày Brexit bị hoãn lại từ tháng 3 năm nay, một số công ty dịch vụ tài chính ở London tỏ ra “bình chân như vại” trước yêu cầu phải tăng tỷ trọng vốn tại EU. Goldman Sachs Group và Standard Chartered nằm trong số các công ty như vậy, khi lần lữa chuyển vài tỷ euro vốn ra khỏi Vương quốc Anh (U.K), theo một số nguồn tin của Bloomberg từng tiết lộ hồi tháng 6.
Theo quy định của ECB, các ngân hàng phải nắm đủ tiền để bảo đảm khả năng đối phó với các khoản lỗ tiềm tàng có thể xảy ra cho mảng hoạt động tại châu Âu. Các ngân hàng đã ngay lập tức thành lập các công ty con trong khu vực đồng euro và đàm phán với ECB về mức vốn cần duy trì.
Thông báo của ECB còn nhắc nhở các ngân hàng tăng tốc thực hiện kế hoạch của mình, đẩy mạnh công tác chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện kế hoạch, xử lý các vướng mắc liên quan đến điều chuyển nhân sự và sắp xếp lại khách hàng, cũng như thiết lập các quy trình và hệ thống nội bộ cần thiết.
ECB còn dự báo nguy cơ các ngân hàng sẽ không thể hoàn thành trọn vẹn các mục tiêu hoạt động theo lộ trình đã thống nhất với cơ quan quản lý. Các ngân hàng cần liên tục theo dõi tình hình thực hiện các cam kết, đặc biệt là về việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và cơ cấu quản trị tại chỗ. Nếu các kế hoạch chỉ hoàn thành dang dở thì nó có thể có tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các ngân hàng.
![]() |
Anh sẽ chắc chắn tạm biệt EU vào đúng ngày 31/10 |
Cần thời gian chuyển đổi?
Lời thúc giục của EU được đưa ra khi viễn cảnh nước Anh rời khỏi EU mà hai bên không đạt được thỏa thuận nào ngày càng hiển hiện. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khẳng định Anh sẽ chắc chắn tạm biệt EU vào đúng ngày 31/10 “cho dù có thế nào chăng nữa”.
Mặc dù cơ quan quản lý lĩnh vực ngân hàng các nước thành viên EU từng nói các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động sẽ xảy đến, song EU vẫn liên tục nhắc nhở suốt vài tháng qua về việc ngành ngân hàng cần sắp xếp, tổ chức hoạt động ở 27 quốc gia thành viên còn lại của khối để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng EU.
ECB còn khuyến cáo các công ty tài chính lưu ý để việc tiếp cận cơ sở hạ tầng thị trường quan trọng không bị gián đoạn bởi Brexit. Nhiều ngân hàng có trụ sở tại EU hiện đang sử dụng các trung tâm thanh toán phái sinh ở London cho các giao dịch của mình và nếu quá trình Brexit không có tiến triển sáng sủa hơn thì việc truy cập hệ thống thanh toán này sẽ bị dừng lại vào tháng 3 tới.
Ông Conor Lawlor - Giám đốc chính sách quốc tế và Brexit tại U.K. Finance, cho rằng ngành ngân hàng đã chuẩn bị chu đáo đến mức có thể trong phạm vi của mình. Ông kêu gọi các nhà chức trách EU cân nhắc cho phép các ngân hàng có trụ sở tại U.K. được tiếp tục phục vụ khách hàng châu Âu trong một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định nếu xảy ra tình huống Anh và EU không có thỏa thuận nào.
Hải Châu