Với sự chung vai của các quốc gia không thuộc OPEC, cung cầu thị trường sẽ có thể sớm trở về điểm cân bằng nhanh hơn dự kiến.
Giải pháp duy nhất
Phát biểu tại hội nghị Năng lượng Thế giới diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 10/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Việc đóng băng hoặc cắt giảm sản lượng là giải pháp duy nhất để bình ổn lĩnh vực năng lượng. Nga sẵn sàng tham gia các nỗ lực chung, để hạn chế sản lượng và thúc giục những nước khác thực hiện theo”.
Bộ trưởng Năng lượng từ các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga, hay Ả-rập Xê-út, dự kiến sẽ có nhiều cuộc họp trong tuần này, nhằm thống nhất những nội dung chính của một thỏa thuận sơ bộ.
OPEC với 14 thành viên, kiểm soát hơn 1/3 sản lượng dầu thế giới, đã đạt được một sự đồng thuận lịch sử cách đây 2 tuần, về việc cùng nhau tiết chế sản lượng, dù chỉ là mức khiêm tốn, từ 33,2 triệu thùng/ngày xuống còn 32,5 - 33 triệu thùng/ngày.
Trước bài phát biểu của ông Putin, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, ông Khalid al-Falih, đã tỏ ra lạc quan, rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng trong tháng 11 tới và viễn cảnh giá dầu thô tăng thêm 20% trong năm nay lên 60 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Falih đang tích cực vận động các nước ngoài OPEC như Nga, tham gia nỗ lực chung và sẽ họp với Bộ trưởng Năng lượng Nga ngay trong tuần này, để thảo luận về kế hoạch phối hợp.
![]() |
Với 14 thành viên, OPEC kiểm soát hơn 1/3 sản lượng dầu thế giới
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ông Faith Birol, cho rằng nếu có sự chung vai của các quốc gia không thuộc OPEC, cung cầu thị trường sẽ tìm lại điểm cân bằng nhanh hơn dự kiến.
Tìm thấy tiếng nói chung về mặt chủ trương, nhưng lãnh đạo các nước vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể sớm giải đáp, ví dụ mỗi nước sẽ cắt giảm bao nhiêu và khi nào thì bắt đầu. Một số thành viên OPEC như Iran, Libya và Nigeria được miễn tuân thủ, do quá trình khai thác thường xuyên bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân khác nhau; điều này cũng sẽ có tác động đến hiệu quả tổng thể của thỏa thuận.
Quyết định đặc biệt của OPEC
Việc phải hài hòa với những quốc gia nêu trên, cùng với rủi ro khó lường trên thị trường hiện tại là lý do OPEC chỉ đặt ra một khoảng mục tiêu sản lượng thay vì “chốt cứng” con số cụ thể.
Ngày 28/9, lần đầu tiên sau 8 năm, các thành viên OPEC đã đạt được một ghi nhớ chung về việc cần phải giảm sản lượng dầu thô để đỡ giá thị trường, thắp lên tia hy vọng về sự khởi sắc của lĩnh vực dầu khí trong tương lai.
Đây là quyết định không ai ngờ tới, bởi trước đó, giới quan sát dự đoán OPEC sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “mạnh ai nấy bơm” đã thực hiện từ năm 2014 đến nay.
Chi tiết về lộ trình và cách thức cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ phải chờ đến tháng 11/2016, khi các nước một lần nữa nhóm họp ở Vienna (Áo).
Năm 2016 chứng kiến lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, giá dầu xuyên thủng đáy 30 USD/thùng, trước khi quay đầu một chút lên 40 - 50 USD và mắc kẹt ở đó. Người tiêu dùng thì vui vẻ vì chi phí nhiên liệu giảm đáng kể, nhưng hàng chục nghìn người trong lĩnh vực dầu khí bị mất việc làm vì doanh nghiệp làm ăn khốn khó, nền kinh tế các nước thì đồng loạt lao đao.
Mặc cho thế giới chờ đợi, OPEC đã không có bất kỳ hành động cụ thể nào để hỗ trợ thị trường, kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc năm 2014. Ả-rập Xê-út lấy lý do rằng trào lưu khai thác dầu đá phiến của Mỹ khiến việc OPEC giảm sản lượng trở nên kém tác dụng. Và thế là quẳng gánh trách nhiệm sang một bên, Ả-rập Xê-út cũng như các thành viên OPEC khác lao vào cuộc chạy đua sản lượng để tranh giành thị phần.
Quan điểm trước đây của giới chức Ả-rập Xê-ut là giá dầu thấp sẽ khiến những nhà sản xuất dầu đá phiến không chịu nổi và “bật bãi” khỏi thị trường; và sớm muộn gì, giá cả thị trường cũng sẽ tăng lên khi cầu vượt cung.
Ấy thế nhưng sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ lại càng ngày càng lớn mạnh ngoài dự kiến, khiến hàng tỷ thùng dầu thừa thãi của thế giới bị tồn kho và cái ngày cầu vượt cung bị kéo lùi vô thời hạn.
Hải Châu