Vào tháng 7/2015, những chiếc máy bay điện đầu tiên được thử nghiệm trên thế giới đã bay qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, trong đó có dòng E-Fan của Airbus
Avinor - một doanh nghiệp nhà nước điều hành 45 sân bay ở Na Uy, cho biết kế hoạch mua máy bay chạy điện về sử dụng có thể khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ động cơ điện và công nghệ lai (hybrid) của các hãng sản xuất máy bay lớn như Airbus hay Boeing.
Điều kiện tự nhiên lý tưởng
Tháng 11/2017, Airbus, Rolls - Royce và Siemens đã bắt tay nghiên cứu phát triển một động cơ điện lai (hybrid). Trước đó 1 tháng, một công ty start-up tại Seattle (Mỹ), được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm của Boeing và JetBlue Airways, cũng thông báo kế hoạch đưa máy bay điện lai với sức chứa 12 hành khách ra thị trường vào năm 2022.
Trả lời phỏng vấn tại một hội nghị hàng không ở Oslo, ông Dag Falk Pedersen - Giám đốc Avinor, chia sẻ: “Tôi không có gì phải nghi ngờ về việc đến năm 2040 các chuyến bay chặng ngắn của các hãng hàng không Na Uy sẽ dùng hoàn toàn máy bay chạy điện”.
Trong số các hãng hàng không, “Airbus nói với chúng tôi rằng họ cần khách hàng và họ cần một thị trường. Chúng tôi thì có thể cung cấp cả hai. Tất nhiên họ cần thị trường lớn hơn và nhiều khách hàng hơn. Nhưng việc gì cũng phải có sự khởi đầu”, ông Pedersen nói thêm.
Na Uy - một quốc gia có địa hình rừng núi với dân số 5 triệu người sống trong các thị trấn gần vịnh có địa hình hẹp, sẽ là nơi lý tưởng cho các máy bay động cơ điện. Loại máy bay này có thể tăng tốc nhanh hơn máy bay thông thường và vì thế chỉ cần đường băng ngắn hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay, một trong những vấn đề hóc búa đối với máy bay điện là trọng lượng (vì phải mang theo hệ thống ắc quy cồng kềnh) và phạm vi hoạt động hạn chế.
Còn nhớ hồi tháng 7/2015, những chiếc máy bay điện đầu tiên được thử nghiệm trên thế giới đã bay qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, trong đó có dòng E-Fan của Airbus.
Chiếc máy bay điện đầu tiên được thử nghiệm trên thế giới
Quyết tâm chính trị cao
Ông Falk Pedersen cho biết có khả năng sẽ tổ chức một cuộc đấu thầu trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, để thúc đẩy thương mại hóa máy bay động cơ điện. Mỗi gói thầu như vậy có thể mua 5 - 15 chiếc máy bay, với sức chứa 12 - 50 chỗ ngồi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Na Uy - ông Ketil Solvik Olsen, cho biết nước này sẽ cố gắng lặp lại lịch sử thành công đã từng có với xe hơi điện, nhờ chính sách thuế linh hoạt (miễn 25% thuế giá trị gia tăng) và nhiều ưu đãi khác, như: Miễn giảm nhiều loại phí đắt đỏ (phí đỗ xe, phí cầu đường..), được phép đi vào làn đường dành cho xe buýt…
Một lý do khác khiến thị trường Na Uy dễ chấp nhận phương tiện chạy điện là nước này được thiên nhiên ưu ái nhiều dòng sông chảy mạnh phục vụ thủy điện, nên có nguồn năng lượng điện sạch, dồi dào và tương đối rẻ.
Về hạ tầng, chính phủ Na Uy chú trọng xây dựng các trạm sạc điện rải rác khắp đất nước, cũng như cải thiện tốc độ sạc nhanh nhất có thể. Tính đến cuối tháng 9/2017, Na Uy có 8.650 trạm sạc điện công cộng, phần lớn do chính quyền địa phương lắp đặt và cho sử dụng miễn phí; chỉ có những điểm sạc siêu nhanh là có tính phí và được giao cho tư nhân làm.
Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng Na Uy là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Tây Âu, nhưng lại tự đặt mục tiêu không còn xe hơi chạy bằng xăng dầu vào năm 2025. Trong khi đó, Pháp và Anh chỉ “dám” phấn đấu thực hiện điều này vào năm 2040.
Năm ngoái, hơn một nửa số xe mới tiêu thụ ở Na Uy là xe chạy động cơ điện hoặc xe hybrid (nửa điện nửa động cơ đốt trong), đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Mặc dù vậy ông Solvik Olsen cũng phải thừa nhận: “Khi nói đến máy bay chạy pin điện, chắc chắn hầu hết mọi người sẽ có thái độ hoài nghi”.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là chính phủ Na Uy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, khi chỉ đạo Avinor tích cực chuyển sang khai thác các máy bay điện trong vận tải thương mại và thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học.
Hải Châu