Tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra hôm 14/9, sau cuộc hội đàm với Cố vấn nhà nước và Bộ trưởng ngoại giao Myanmar - bà Aung San Suu Kyi, để đặt dấu chấm hết cho 3 thập kỷ căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.
“Đây là điều đúng đắn nên làm để người dân Myanmar thấy được thành quả từ một môi trường kinh doanh mới và một chính phủ mới”, ông Obama phát biểu.
Hệ quả của cải cách dân chủ
Mỹ đã gạch tên 10 doanh nghiệp quốc doanh của Myanmar trong lĩnh vực ngân hàng, gỗ và khai thác mỏ khỏi danh sách đen. Công dân Mỹ muốn tới Myanmar sinh sống và làm việc cũng không bị gây khó khăn như trước.
Tuy nhiên, một số hạn chế thương mại và đầu tư khác vẫn được giữ nguyên. Các doanh nghiệp do quân đội Myanmar quản lý cũng như hàng chục cá nhân từng phất lên nhờ các hợp đồng cung cấp cho quân đội thì chưa thoát được các biện pháp trừng phạt.
Cách đây 26 năm, Mỹ từng rút đại sứ của mình khỏi Myanmar sau khi quân đội nước này từ chối nhường lại quyền lực cho một chính phủ dân sự. Biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ được áp đặt 7 năm sau đó và tồn tại đến tận bây giờ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Aung San Suu Kyi
đặt dấu chấm hết cho 3 thập kỷ căng thẳng
Năm 2011, Washington bắt đầu nới tay hơn với Myanmar, khi chính quyền quân sự ở đây bắt đầu xuống nước và chấp nhận chuyển giao dần quyền lực. Kể từ đó, Myanmar đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tự do hóa chính trị mà cụ thể nhất là cuộc bầu cử tháng 11/2015, chứng kiến đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, giành chiến thắng thuyết phục. Mặc dù hiến pháp không cho phép người phụ nữ 71 tuổi này trở thành Tổng thống, nhưng tầm ảnh hưởng của bà trong chính quyền là rất lớn.
Động thái nới lỏng trừng phạt đối với Myanmar được đưa ra trong bối cảnh ông Obama đang tìm cách củng cố chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống.
Washington muốn xích lại gần hơn với một số nước như Myanmar và Ấn Độ trước sức ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, Myanmar bắt đầu có những động thái cải thiện quan hệ với Trung Quốc, láng giềng khổng lồ và đối tác thương mại quan trọng nhất của Myanmar.
Cú hích thương mại song phương
Tuyên bố của ông Obama nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, lâu nay vẫn chờ đợi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Myanmar để nhảy vào một thị trường đầy tiềm năng.
Phó Giám đốc đối ngoại Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant, nhận định “Động thái lịch sử này sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước, hỗ trợ phát triển kinh tế của Myanmar trong dài hạn và giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, tạo công ăn việc làm”.
Nhà Trắng cũng tuyên bố Myanmar giờ đã đủ điều kiện tham gia vào chương trình ưu đãi thương mại của Mỹ dành cho các nước đang phát triển. Thương mại giữa Myanmar và Mỹ hiện vẫn ở mức thấp, kim ngạch hai chiều năm 2015 chỉ xấp xỉ 227 triệu USD.
Trước băn khoăn về việc đến khi nào Mỹ sẽ gỡ bỏ nốt các biện pháp trừng phạt còn lại, ông Obama chỉ trả lời chung chung rằng “sẽ sớm thực hiện”. Còn theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chuyện đó tùy thuộc vào việc Myanmar tiếp tục giảm mức độ ảnh hưởng của quân đội lên chính phủ, ví dụ thay đổi hiến pháp để đảm bảo quyền lực thực sự nằm trong tay người dân.
Rõ ràng, Mỹ cởi trói cho Myanmar ngoài mục tiêu cải thiện thương mại song phương còn có chủ đích nhắc nhở chính quyền bà Suu Kyi cần tiếp tục theo đuổi quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ.
Tại Nhà Trắng, bà Suu Kyi cũng thừa nhận hiến pháp Myanmar chưa hoàn toàn dân chủ vì vẫn dành cho quân đội một vị trí đặc biệt trong chính trị, song bà khẳng định sẽ nỗ lực sửa đổi.
Hiện nay, quân đội Myanmar vẫn được bảo đảm có 1/4 số ghế trong quốc hội và san sẻ quyền lực với chính phủ, cũng như nắm giữ vai trò lớn trong nhiều doanh nghiệp.
Hải Châu