Y định của cơ quan này hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng vô tình lại làm khó VW trong quá trình cung cấp thông tin cho các cổ đông, đối tác và khách hàng.
Trước đó, vào tháng 3/2016, VW từng cam kết sẽ công khai chi tiết cuộc điều tra do công ty luật Jones Day tiến hành độc lập. Quá trình điều tra hiện vẫn đang diễn ra do lượng thông tin quá đồ sộ.
Đề phòng thái độ bất hợp tác
Trao đổi với luật sư của VW, đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng việc công bố kết quả điều tra sơ bộ sẽ ảnh hưởng đến các giai đoạn về sau, thậm chí là làm lệch cáo trạng và mức tiền phạt có thể áp dụng.
DOJ lo ngại, nếu VW để lộ danh tính cá nhân liên quan hoặc tình tiết quan trọng ở thời điểm này, cơ quan chức năng Mỹ sẽ gặp khó khăn khi điều tra, bởi nhân chứng có thể e dè và thiếu hợp tác hơn.
Yêu cầu của DOJ không phải là một quyết định chính thức, song VW khó mà làm khác được. Những công ty gây ấn tượng xấu với DOJ bằng thái độ bất hợp tác có thể sẽ phải “trả giá” bằng mức phạt không thương tiếc.
Từ khi vướng vào scandal khí thải đến nay, VW liên tục gặp rắc rối với cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ và Đức, bao gồm cả điều tra hình sự về những cáo buộc gian lận khí thải, quảng cáo sai sự thật, cũng như hơn 500 vụ kiện dân sự khác.
Chính vì thế, dù VW có muốn nhanh chóng quay trở lại hoạt động bình thường cũng khó. Hãng sản xuất xe hơi Đức thậm chí phải hoãn việc công bố kết quả hoạt động năm 2015 tới hai lần và hoãn luôn cả đại hội cổ đông thường niên.
Tháng 3/2016, VW từng xin gia hạn cung cấp thông tin về lộ trình sửa lỗi phần mềm đo khí thải đã cài đặt trên những xe đang lưu thông. Ngày 21/4 là hạn chót để công ty này thống nhất được với cơ quan chức năng về giải pháp khắc phục trước khi báo cáo cho tòa án, tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa rõ VW có xoay sở kịp hay không.
Việc hạn chế VW tiết lộ sớm kết quả điều tra sơ bộ không chỉ giúp cơ quan chức năng Mỹ bảo đảm khai thác được tối đa thông tin sau này từ nhân chứng, mà còn giảm thiểu được những phiền toái không đáng có.
![]() |
VW cam kết sẽ triệu hồi xe trên toàn cầu để khắc phục sự cố
Ly nước vốn đã tràn
VW bị bóc trần bê bối sau khi thừa nhận đã cài đặt phần mềm gian lận kết quả kiểm tra khí thải cho 11 triệu xe, trong đó có khoảng 600.000 xe ở Mỹ. Vụ scandal đẩy hãng sản xuất ôtô lớn nhất nước Đức lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có, kể từ khi thành lập, đến mức khiến Giám đốc điều hành Martin Winterkorn phải từ chức. VW sau đó cam kết sẽ triệu hồi xe trên toàn cầu để khắc phục sự cố, đồng thời chỉ dẫn khách hàng cài lại phần mềm khai báo khí thải.
Một tuần trước, VW phải ra thông báo triệu hồi hơn 800.000 xe thể thao đa dụng, vì nghi vòng bao chân đạp có thể lắp hơi lỏng. Vụ việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng của hai dòng SUV bán chạy nhất, là Porsche Cayenne (409.477 chiếc bị thu hồi) và VW Touareg (391.000 chiếc).
Đến ngày 28/3, công ty này lại tiếp tục “ngậm đắng nuốt cay” triệu hồi toàn bộ 5.561 xe chạy điện e-Golf đã bán ở Mỹ, trong giai đoạn từ 21/5/2014 đến 1/3/2016. Hệ thống điều khiển pin điện áp cao ở những xe này quá nhạy cảm, đến mức có thể nhầm một đợt xung điện thành một tình huống nghiêm trọng và tự động ngắt điện, khiến xe chết máy đột ngột và rủi ro gây va chạm.
Ước tính, VW sẽ tốn tới hàng chục tỷ USD để thanh toán tiền phạt và bồi thường tại nhiều quốc gia, cho những thiệt hại mà mình đã gây ra. Tuy nhiên, cái giá đắt nhất là món nợ niềm tin của khách hàng và đối tác thì không biết đến bao giờ hãng này mới trả đủ.
Hải Châu