Cho đến vài tuần trước, Mỹ vẫn thảnh thơi cho rằng Mexico là bên chịu áp lực lớn nhất về mặt thời gian, do phải kết thúc cuộc đàm phán trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 1/7.
Lỗi chẳng của riêng ai
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo lại cho biết thời hạn Mexico đàm phán thỏa thuận NAFTA mới có thể kéo dài đến tận ngày 1/12, thời điểm chính phủ mới chính thức nắm quyền, kể cả khi ứng cử viên đối lập giành chiến thắng.
Điều bất ngờ này khiến tình thế đột ngột xoay chuyển, chính quyền ông Trump mới là bên cần “vắt chân lên cổ”, khi mà cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào 6/11.
Mỹ khẳng định nước này ngay từ đầu đã rất rõ ràng về mục tiêu “tái cân bằng” cán cân thương mại của khu vực NAFTA và làm việc với tốc độ chưa từng có để xây dựng một thỏa thuận tốt hơn, với bằng chứng là nội dung của một nửa số chương đã được đưa ra ngay từ vòng đàm phán đầu tiên.
Tuy nhiên, đến tận tháng 10/2017, những yêu cầu cốt lõi liên quan đến ngành xe hơi, ngành sữa, hay việc giải quyết tranh chấp, chấm dứt hiệu lực của các quy định cũ... mới được công bố.
Những đề xuất này được cho là “quá sức chịu đựng” của Canada và Mexico, tiềm ẩn rủi ro phá hỏng lợi ích thương mại nhiều thập kỷ qua nên hai nước này không thể chấp nhận. Thậm chí, ngay trong lòng nước Mỹ cũng có nhiều ý kiến đề nghị ông Trump từ bỏ những yêu cầu tiềm ẩn rủi ro phá hỏng các cuộc đàm phán.
Trong khi Mỹ không có dấu hiệu nhượng bộ và quỹ thời gian không còn nhiều, sẽ rất khó cho các bên có thể thu hẹp những bất đồng và hệ quả khiến quá trình đàm phán bị chậm lại. Đẩy tình cảnh đến nước này, rõ ràng chính quyền Mỹ đã tự làm khó mình.
Thật ra, Canada và Mexico cũng có “đóng góp” nhất định vào sự chậm trễ của quá trình đàm phán khi mất đến ba tháng để đưa ra ý kiến phản đối. Hai nước này lập luận rằng cần thời gian để hiểu được logic trong các đề xuất của Mỹ.
Đáp lại, Mỹ một mặt thanh minh đây là hậu quả của thời gian biểu quá ngắn, một mặt chỉ trích Canada đã cố tình lãng phí thời gian vào những vấn đề ít thiết yếu, ví dụ như các chương mới về quyền của phụ nữ và người bản địa.
Canada ngay lập tức phủ nhận việc cố tình “câu giờ” và chỉ trích kiểu đàm phán “dục tốc” chỉ có lợi cho Mỹ mà thôi.
Hệ quả tất yếu là sau gần 8 tuần chạy đua đàm phán ở Washington, mọi vấn đề dang dở vẫn tiếp tục dở dang.
![]() |
Quá trình đàm phán NAFTA vẫn chưa đâu vào đâu |
Tương lai chắc vẫn… chậm
Các cuộc đàm phán tưởng như đã đạt được một số bước tiến vào đầu tháng 4, khi Mỹ chấp nhận hạ tỷ lệ nội địa khu vực đối với ôtô xuống mức 75%, nhưng 40% số xe phải được chế tạo tại những nhà máy có mức lương tối thiểu 16 USD/giờ.
Đề nghị này là nhằm bảo vệ các nhà máy ở Mỹ và Canada, nơi có mức lương cao hơn, trước sự canh tranh từ giá lao động rẻ ở Mexico. Còn nước này thì đề xuất các con số tương ứng lần lượt là 70% và 20%, song vẫn để ngỏ khả năng 40% cho một thỏa thuận trước ngày 1/7.
Tuy nhiên, với việc Washington vẫn đang “chinh chiến” trên các mặt trận thương mại khác, sẽ không dễ để duy trì tốc độ đàm phán như thời gian qua và về đích đúng kế hoạch. Nên nhớ, ngay cả với thỏa thuận về riêng ôtô cũng cần thời gian để xử lý rất nhiều vấn đề liên quan khác.
Không những thế, vào tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ còn tiến hành một cuộc điều tra có thể dẫn đến thuế nhập khẩu xe hơi và phụ tùng ôtô từ Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á bị áp cao hơn. Động thái này rõ ràng gây áp lực cho Canada và Mexico trên bàn đàm phán NAFTA.
Quá trình tái đàm phán bắt đầu vào tháng 8/2017 với mục tiêu kết thúc chỉ trong 4 tháng. Mặc dù ngày 17/5 vừa qua là hạn thông báo cuối cùng nếu muốn được Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngay trong năm nay, nhưng có vẻ như chặng đường phía trước vẫn còn tương đối dài.
Hải Châu