Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế khó khăn hơn đối với đầu tư của Trung Quốc vào một lĩnh vực tương đối nhạy cảm, nơi cung cấp chip máy tính cho vô số thiết bị, từ điện thoại cho tới hệ thống vũ khí tinh vi hiện đại.
Tăng cường rà soát, giám sát
Báo cáo của Hội đồng cố vấn Khoa học và Công nghệ (CAST) của Tổng thống Mỹ Obama cho rằng “các chính sách của Trung Quốc đang làm méo mó thị trường theo hướng triệt tiêu đổi mới sáng tạo, thu hẹp thị phần của Mỹ và gây rủi ro cho an ninh quốc gia... Trung Quốc được hưởng lợi nhờ thế giới ngày càng mở cửa. Nhưng nước này không nỗ lực để đóng góp, mà trong một số trường hợp còn gây tổn hại”.
CAST khuyến nghị chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động xuất khẩu, phối hợp với các nước khác trong việc giám sát những lĩnh vực, ngành nghề nhạy cảm. Đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, CAST cho rằng những khoản đầu tư, mua bán sáp nhập cần được xem xét kỹ lưỡng và toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò của Ủy ban Quản lý đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chuyên theo dõi các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài tiến hành, nhằm kịp thời phát hiện các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Báo cáo của CAST cũng nêu rõ, xét theo chiến lược hiện nay của Trung Quốc, chính phủ Mỹ nên xây dựng định mức đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu Trung Quốc vi phạm, chẳng hạn như lợi dụng lợi thế được nhà nước trợ giá để tung hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ, Mỹ có thể siết chặt các điều kiện đầu tư.
![]() |
Mỹ vẫn đang dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn thế giới
CAST cũng cho rằng chính phủ cũng không nên “làm quá” nếu các dự án đầu tư nước ngoài không ẩn chứa rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời thúc giục các đơn vị liên quan nỗ lực tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ đó tạo chất xúc tác cho cả khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, hệ thống quy định của Mỹ về đầu tư nước ngoài cũng cần phải hoàn thiện. Đơn cử trường hợp của CFIUS, cơ quan này chỉ có chức năng rà soát các dự án M&A của nhà đầu tư nước ngoài, chứ không để ý tới những khoản đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động từ A - Z của công ty nước ngoài trên đất Mỹ. Các thỏa thuận nhượng quyền giữa doanh nghiệp Mỹ và đối tác Trung Quốc cũng nằm ngoài tầm với của CFIUS.
Cơ hội tuyệt vời của Trung Quốc
Trung Quốc sau khi thành công trong việc vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang muốn tận dụng tiềm lực vốn của mình, để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trên quy mô toàn cầu. Một phần trong chiến lược đó chính là nâng cấp vai trò của hoạt động sản xuất trong chuỗi giá trị, tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao và có nhiều giá trị gia tăng hơn.
Khi mà chip máy tính đang hiện diện ở khắp mọi nơi trong đời sống và giá trị chiến lược thu được sẽ rất lớn, nếu có thể sản xuất được mặt hàng này, Bắc Kinh đã quyết định nhắm đến ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong năm 2014, chính phủ Trung Quốc từng đưa ra kế hoạch hoành tráng 160 tỷ USD để tăng thị phần của chip sản xuất trong nước ngay trên thị trường nội địa, từ 10% lên 70% trong vòng 10 năm. Trong khi đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ lại diễn ra làn sóng mua bán sáp nhập, với tổng giá trị năm 2016 vượt quá mốc 100 tỷ USD. Đây là cơ hội không thể tuyệt vời hơn cho doanh nghiệp sản xuất bán dẫn của Trung Quốc.
Theo thông tin từ những chuyên gia trong nghề, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp cận gần như tất cả các công ty Mỹ trong lĩnh vực này để đặt vấn đề hợp tác, thậm chí thâu tóm.
Mỹ vẫn đang dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn thế giới kể từ khi lĩnh vực này trở nên “hot” vào những năm 1960. Còn Trung Quốc thì chưa có công ty nào lọt vào top 10 (tính đến năm 2015), nhưng lại là thị trường tiêu thụ linh kiện điện tử lớn nhất thế giới.
Báo cáo của CAST chỉ ra rằng không chỉ ưu đãi trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích người tiêu dùng nội địa chỉ dùng hàng trong nước sản xuất và yêu cầu nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ nếu muốn thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới này.
Hải Châu