Đây đã là lần thứ 12 chính quyền ông Barrack Obama tìm đến WTO để “xử” Trung Quốc. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có thời Tổng thống nào phải “bức xúc” nhiều như thế với đối tác châu Á.
Đối tác nhiều rắc rối
Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm gà của Mỹ, đặc biệt là chân gà được dân châu Á rất ưa chuộng, hoặc sẽ trả đũa bằng lệnh trừng phạt thương mại. Trong đơn kiện của mình, Mỹ cáo buộc Trung Quốc chưa chịu loại bỏ thuế chống phá giá đối với thịt gà, mà WTO từng kết luận là không hợp lệ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 10/5, Đại diện thương mại Mỹ - ông Michael Froman, bức xúc: “Rõ ràng là Trung Quốc cố tình lờ đi các quy định, thật không thể chấp nhận được… Hành động của Trung Quốc là không công bằng đối với người lao động Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Johnny Isakson của đảng Cộng hòa bang Georgia, bang có sản lượng gà lớn nhất nước Mỹ, cho rằng: “Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc phải tuân thủ những quy tắc mà chính nước này đã đồng ý, khi gia nhập WTO năm 2001”.
Vấn đề xuất khẩu gà của Mỹ nóng lên, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang muốn “gò” Trung Quốc và một số nước khác tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc thương mại đã cam kết, qua đó, hy vọng giành được thêm sự ủng hộ của Quốc hội đối với việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP chính là di sản quan trọng của ông Obama trước khi rời nhiệm sở vào tháng Một sang năm và cũng hiệp định thương mại lớn nhất của Mỹ trong vòng vài chục năm trở lại đây.
Trong khi các ứng viên hàng đầu cho ghế Tổng thống Mỹ tương lai là tỷ phú Donald Trump và cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, đều không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do (nhất là TPP), thì ông Obama lại bảo lưu quan điểm ngược lại, với lý do sự tồn tại của hệ thống thương mại mang tính ràng buộc sẽ là công cụ hữu hiệu để “uốn nắn” Trung Quốc, cũng như các thị trường mới nổi khác tuân thủ luật chơi chung, khi tiến hành các hoạt động thương mại trên phạm vi quốc tế.
Trong số 21 đơn kiện của Mỹ gửi tới WTO từ năm 2009 đến nay, có tới 12 là nhằm vào Bắc Kinh. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã phải dừng chương trình ưu đãi hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ, sau một năm bị Mỹ đâm đơn lên WTO.
Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm gà của Mỹ
Sáu năm chưa có hồi kết
Tuy nhiên, những người trích ông Obama cho rằng nếu cứ chờ đợi WTO thì doanh nghiệp Mỹ “được vạ má sưng”; chính vì vậy mà họ kêu gọi chính phủ áp đặt ngay lập tức hàng rào kỹ thuật, hoặc thuế quan, để giải quyết tranh chấp.
Năm 2015, cán cân thương mại Mỹ - Trung lệch hẳn sang một bên, khi Mỹ nhập khẩu tới 482 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, nhưng chỉ xuất khẩu được có 116 tỷ USD.
Xung đột thương mại xung quanh chuyện con gà từ Mỹ vào Trung Quốc đã kéo dài 6 năm trời. Còn nhớ năm 2013, phía Mỹ từng tuyên bố họ đã được WTO xử thắng trong vụ kiện Trung Quốc áp thuế gây khó dễ cho người chăn nuôi gia cầm Mỹ, vì cho rằng họ được chính phủ trợ cấp để bán phá giá.
Ấy thế nhưng Trung Quốc vẫn không gỡ bỏ thuế, khiến doanh nghiệp Mỹ hết đường thâm nhập một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn. Chỉ cần gà “xuất cảnh” từ Mỹ, bất kể công ty sản xuất có đặt ở Mỹ hay không, là bị đánh thuế chống phá giá. Trường hợp doanh nghiệp Mỹ sở hữu trang trại và chăn nuôi gà ngay tại Trung Quốc thì không bị ảnh hưởng gì.
Đến năm 2015, Trung Quốc lại có lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thịt gà Mỹ, vì lo ngại dịch cúm gia cầm. Một năm trước đó, Mỹ chỉ xuất khẩu được 118 triệu kg thịt gà, gà tây và trứng gà cho Trung Quốc, giảm 64% so với 331 triệu kg năm 2009 - thời điểm thuế đánh vào thịt gà Mỹ có hiệu lực, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Hải Châu