Có hiệu lực kể từ nửa đêm ngày thứ Ba (7/8, giờ Washington), biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ ngăn chặn quốc gia châu Á mua USD, không giao dịch vàng, kim loại quý và các kim loại công nghiệp.
Ngành công nghiệp ôtô của Iran bị đưa vào “danh sách đen”, trong khi hoạt động nhập khẩu thảm Ba Tư và quả hồ trăn vào Mỹ cũng bị cấm.
Đến đồng minh cũng bất đồng
Một ngày trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ bày tỏ sự “chân thành”. Ông Rouhani nhận định việc Mỹ chực chờ áp đặt trừng phạt lên Iran chẳng khác gì “cầm dao” đến và yêu cầu đàm phán.
Biện pháp trừng phạt của Mỹ bị Iran phản ứng đã đành, ngay cả các nước đồng minh châu Âu của Mỹ cũng không hài lòng. Đặc biệt, trong bối cảnh họ đang phải xoay xở duy trì hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, sau khi ông Trump rút khỏi cách đây 3 tháng.
Các nước này cũng lo ngại Mỹ sẽ còn áp dụng thêm nhiều biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa đối với hoạt động nhập khẩu dầu của Iran vào đầu tháng 11 tới.
Ông Rouhani kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác, như Trung Quốc hay Nga, có hành động cụ thể để cứu lấy thỏa thuận hạt nhân 2015. Mặc dù những quốc gia này tuyên bố không để tâm tới lệnh trừng phạt mới của Mỹ, song doanh nghiệp của họ lại chịu áp lực từ Mỹ, cũng như bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trừng phạt.
Tổng thống Iran còn dè chừng cả tính khí “thất thường” của Tổng thống Mỹ, cho dù ông Trump chủ động đưa ra lời đề nghị đàm phán. Điển hình nhất là từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump chẳng cần đàm phán gì mà cứ thế đơn phương rút Mỹ ra khỏi các cam kết quốc tế, từ hiệp định thương mại cho tới hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thì chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trump cố tình “dắt mũi” thế giới rằng nước Mỹ quan tâm đến người dân Iran, trong khi những biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt lại là rút giấy phép bán 200 máy bay chở khách với những lý do vô lý, đe dọa đến cuộc sống của không ít dân thường.
Để chuẩn bị sẵn sàng trước khi lệnh trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực, Ngân hàng trung ương Iran đã phải nới lỏng hầu hết các biện pháp quản lý tiền tệ kể từ đầu năm nay, nhằm ngăn chặn sự sụt giảm của đồng nội tệ (rial) - một trong những nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Mỹ đã chính thức tái khởi động các lệnh trừng phạt đối với Iran |
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Ngân hàng trung ương Iran cũng cho phép thị trường tự xác định tỷ giá giao dịch ngoại hối (ngoại trừ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và thuốc men). Các công ty có giấy phép giao dịch tiền tệ được hoạt động trở lại kể từ ngày 7/8.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Ngân hàng trung ương Iran quyết định áp dụng thống nhất tỷ giá hối đoái ở mức 42.000 rial đổi 1 USD, đồng thời yêu cầu các công ty giao dịch tiền tệ không được phép bán ngoại tệ.
Hàng chục người cũng bị bắt với cáo buộc lạm quyền để tư lợi, trong đó có một Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương phụ trách các vấn đề ngoại tệ. Tuy nhiên, những chính sách hà khắc này đã phản tác dụng và Iran chứng kiến đồng rial giảm xuống còn hơn 100.000 rial đổi 1 USD trên thị trường chợ đen.
Để đối phó với lệnh trừng phạt mới của Mỹ, chính phủ Iran đã phải rà soát lại danh sách các mặt hàng thiết yếu có thể nhập khẩu và khẳng định nước này có đủ nguồn cung ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đối với Mỹ, những biện pháp cứng rắn vừa áp dụng được kỳ vọng sẽ buộc Iran ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria hay Yemen, dừng chương trình tên lửa đạn đạo, hạn chế hơn nữa chương trình hạt nhân trong nước và không tổ chức bạo động lật đổ chính phủ.
Động thái hạ nhiệt duy nhất, có chăng là dù khẳng định sẽ không cho Iran xuất khẩu dầu, song Mỹ đang cân nhắc miễn giảm một số biện pháp trừng phạt đối với từng trường hợp cụ thể trong quyết định tiếp theo.
Hải Châu