Lệnh trừng phạt đang có hiệu lực ngăn cấm các giao dịch mua nợ mới của Venezuela, khiến chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc phát hành thêm trái phiếu và buộc phải tìm cách huy động khác.
Đường vòng né trừng phạt
Nắm bắt được xu thế “hot” nhất năm 2017 - tiền mật mã, ông Maduro nảy ra ý tưởng tạo ra cho Venezuela một loại tiền ảo riêng trong bối cảnh đồng tiền “thật” bolivar đang dò đáy trong tương quan với đồng USD và phải vật lộn với tình trạng siêu lạm phát. Quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới đang khủng hoảng lương thực và y tế trầm trọng.
Dự kiến mỗi đồng petro sẽ được bảo đảm bằng một thùng dầu của Venezuela và được bán bằng giá. Điều đó có nghĩa, nếu sử dụng giá dầu bình quân tuần trước là 60,40 USD/thùng thì giá trị của đợt phát hành 100 triệu đồng petro sẽ vượt 6 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, đại diện Bộ Ngân khố Mỹ cho rằng đồng tiền điện tử petro không khác gì một cách mở rộng tín dụng cho chính phủ Venezuela, bảo vệ chế độ hiện nay của ông Maduro. Vì thế, “có thể khiến người dân Mỹ phải chịu rủi ro pháp lý” và “tiếp tục bào mòn các nguồn lực của người dân Venezuela”.
Nước Mỹ được coi là một nguồn huy động vốn quan trọng thông qua phát hành chứng khoán và tiền ảo nhờ quy mô của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng bởi nhiều hoạt động tài chính toàn cầu đi qua các tổ chức tài chính của Mỹ.
Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng Mỹ đã thận trọng hơn với các hoạt động liên quan đến Venezuela kể từ khi Washington áp đặt biện pháp trừng phạt, do lo ngại rắc rối về luật pháp và hình ảnh, nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra.
Theo nguồn tin Reuters, ban cố vấn mới của chính phủ Venezuela đang đề xuất phát hành 38,4 triệu petro (tính theo mệnh giá là 2,3 tỷ USD) trong một đợt chào bán riêng lẻ bắt đầu từ ngày 15/2, với mức chiết khấu lên đến 60%.
Thành viên của ban cố vấn này là các chuyên gia về tiền mật mã và ý kiến của họ vô hình trung chỉ ra rằng cách định giá của chính phủ đối với petro có vẻ “ảo” và khó được thị trường chấp nhận. 44 triệu petros (tương đương 2,7 tỷ USD) sẽ được chào bán cho công chúng một tháng sau đó.
![]() |
Tổng thống Venezuela tuyên bố sẽ phát hành 100 triệu đơn vị tiền ảo
Trọng tâm của chính sách tài chính
Cũng theo nguồn tin này, hiện có đề xuất chính phủ chấp nhận thanh toán thuế bằng đồng petro và công ty dầu khí quốc doanh PDVSA sẽ sử dụng tiền mật mã trong các giao dịch với đối tác nước ngoài.
Ông Maduro từng tiết lộ việc phát hành tiền mật mã sẽ diễn ra thông qua các sàn giao dịch trực tuyến. Một thành viên ban cố vấn cho biết một số sàn giao dịch sẽ chấp nhận đồng bolivars, trong khi số khác cho phép trao đổi giữa petro với các loại tiền mật mã khác.
Điểm khác biệt đáng lưu ý của petro so với nhiều đồng tiền ảo, ví dụ bitcoin, là petro không thể “đào” được, tức là không thể tạo ra thêm bên ngoài số lượng mà chính phủ phát hành.
Trên thị trường hiện nay có đồng ripple cũng áp dụng cơ chế tương tự. Dự kiến đồng petro sẽ lưu hành trên mạng Ethereum hiện đang được cộng đồng nhà đầu tư tiền ảo ưa chuộng.
Mặc dù ông Maduro khẳng định trọng tâm của chính sách tài chính nước này là làm cho đồng petro vững mạnh và “đây là tương lai của nhân loại”, song nhiều người vẫn không khỏi hoang mang.
Quốc hội Venezuela do đảng đối lập cầm quyền từng thẳng thừng tuyên bố rằng việc tạo ra đồng petro chính là hành động phát hành nợ trái quy định và vì thế quốc hội sẽ không thừa nhận. Phe đối lập cho rằng việc sử dụng dự trữ dầu mỏ để phát hành nợ là bất hợp pháp.
Hải Châu