Trả lời phỏng vấn trên chương tình “Face The Nation” của đài CBS, ông Tillerson cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng ngồi lại với lãnh đạo các nước thành viên hiệp định Paris, nếu các bên chấp nhận một số điều khoản mà ông cho là bảo đảm công bằng đối với người dân Mỹ. Cá nhân ông Tillerson cũng tự tin Mỹ có thể quay lại Hiệp định “trong điều kiện phù hợp”.
Sự trở lại có điều kiện
Ông Herbert Raymond McMaster - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, cũng đã phát biểu tương tự trên truyền hình hôm 17/9, rằng “sếp” của mình luôn sẵn sàng xem xét những thay đổi. Trong chương trình “This Week” của đài ABC, ông McMaster tiết lộ: “Tổng thống để ngỏ khả năng quay lại Hiệp định Paris vào một thời điểm trong tương lai, nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn cho nước Mỹ”.
Hiệp định Paris được gần 200 quốc gia nhất trí tán thành vào năm 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên của Trái đất không quá 2oC từ nay cho tới năm 2100, chủ yếu thông qua các cam kết cắt giảm lượng các bon và các khí thải khác từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris và đến khi đắc cử, ông đã làm thật, trên cơ sở luận điệu cho rằng Hiệp định này sẽ chỉ làm suy yếu nền kinh tế và chủ quyền quốc gia Mỹ, vì nó quá nhẹ tay với những nước xả thải nhiều như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Hành động đơn phương đó của Mỹ lập tức thổi bùng sự giận dữ và thất vọng trên toàn thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có hẳn bài phát biểu bằng tiếng Anh để phát đi thông điệp kêu gọi giới khoa học, doanh nghiệp và người dân Mỹ đến Pháp làm việc, cùng chung tay chống biến đổi khí hậu.Ông Donald Tusk, một quan chức cấp cao của EU, cho rằng nước đi của ông Trump là một sai lầm nghiêm trọng. Các nước như Đức và Ấn Độ cũng khẳng định sẽ “trước sau như một”, thực thi Hiệp định như những gì đã cam kết.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã hé mở cơ hội Mỹ có thể quay lại Hiệp định Paris
Ngay trong lòng nước Mỹ, mọi việc cũng rối lên vì chủ đề này. Tổng thống ra quyết định là việc... của Tổng thống, còn các bang có tuân thủ hay không lại là chuyện khác. Thống đốc New York, California và Washington đã công bố sẽ thành lập “Liên minh khí hậu” để tiếp tục triển khai các mục tiêu của Hiệp định Paris.
Nguyên Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg từng tuyên bố: “Mặc dù chính quyền liên bang tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, nhưng các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể thực hiện cam kết…. Người Mỹ vẫn triển khai được và người Mỹ sẽ không để chính quyền ngăn cản họ”.
“Hãy cùng chờ xem”
Theo quy trình, phải mất 4 năm để một quốc gia chính thức rút hoàn toàn khỏi hiệp định Paris. Vì vậy, tính toán chi li ra thì Mỹ sẽ vẫn duy trì tư cách thành viên cho đến khi nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump kết thúc được 2 ngày.
Ở một chiều thông tin khác, tờ Wall Street Journal hôm 16/9 đưa tin, tại một cuộc họp giữa các quan chức Mỹ với bộ trưởng của hơn 30 quốc gia đã ký kết hiệp định Paris, phía Mỹ nói sẽ không rút lui nữa mà sẽ ở lại. Tuy nhiên, ông McMaster lại bác bỏ thông tin trên.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Gary Cohn, hiện là người được giao nhiệm vụ phụ trách các vấn đề liên quan tới Hiệp định Paris. Điều thú vị là ông Cohn rất ủng hộ Mỹ thực thi hiệp định này, giống như con gái Ivanka và con rể Jared Kushner của Tổng thống Trump. Trong khi đó, một tiếng nói phản đối Hiệp định Paris mạnh mẽ là Steve Bannon - cánh tay phải của ông Trump, thì đã rời Nhà Trắng hồi tháng 8.
Ngoài ra, với tính cách của Tổng thống Mỹ, những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử không phải chuyện gì bất biến. Tại một cuộc họp báo hồi tháng 7 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, ông Trump đã hé mở cơ hội mới bằng tuyên bố “Một số việc có thể xảy ra liên quan đến Hiệp định Paris. Hãy cùng chờ xem”.
Hải Châu