Quốc gia Nam Mỹ đang khó khăn tới mức phải bán tháo nhiều tài sản để huy động tiền mặt. Sắc lệnh của ông Trump được ban hành trong bối cảnh ông Nicolás Maduro vừa tái đắc cử Tổng thống Venezuela thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa sau khi kết thúc đợt bầu cử hôm 20/5 tốn khá nhiều giấy mực và bị Mỹ, EU cùng một số nước Mỹ Latinh khác đả kích.
Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi đã hành động để ngăn chặn chế độ ông Maduro bán tống bán tháo tài sản quan trọng của Venezuela – những tài sản mà quốc gia này sẽ cần trong công cuộc tái kiến thiết nền kinh tế của mình. Số tiền này thuộc về người dân Venezuela”.
Giới đầu tư lo lắng
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết biện pháp trên được xây dựng nhằm ngăn chặn chính phủ Venezuela mạo hiểm tương lai của đất nước và ngăn các quan chức vơ vét của cải vào túi riêng.
Tất cả các khoản nợ và các khoản phải thu, nợ có thế chấp, giao dịch liên quan tới lợi ích vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mà Venezuela sở hữu hơn 50% đều thuộc phạm vi điều chỉnh của lệnh cấm mà Tổng thống Mỹ vừa ký ban hành.
Kể từ tháng 11/2017, Venezuela đã chậm thời hạn thanh toán gần 4 tỷ USD trái phiếu, khiến các chủ nợ không khỏi lo lắng về 65 tỷ USD đáo hạn mà quốc gia này và các doanh nghiệp quốc doanh chưa biết có xoay sở nổi hay không.
Hôm 21/5, hoạt động giao dịch trên thị trường nợ của Venezuela đã dừng lại khi giới đầu tư và môi giới cố gắng chờ đợi thông tin chính thức về lệnh cấm của Mỹ.
Trong một động thái chưa từng có, 14 quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm cả Brazil và Mexico, đã đồng ý tăng cường giám sát tài chính đối với các thành viên chính phủ Venezuela nằm trong diện bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Venezuela dường như còn lan ra ngoài khu vực châu Mỹ khi chính quyền Mỹ cũng đã thảo luận với Trung Quốc và Nga về tình hình mua bán nợ của Venezuela.
Động thái của Mỹ đã được nhiều người dự đoán sau khi có kết quả cuộc bầu cử ở Venezuela. Tuy nhiên, lệnh cấm mới ban hành không cấm hoàn toàn việc Mỹ mua dầu thô của Venezuela, hiện đang ở mức 500.000 thùng/ngày, cũng như không cấm công ty năng lượng Mỹ bán hàng thu tiền mặt đối với loại các hóa chất mà PDVSA sử dụng để pha trộn dầu thô trước khi xuất khẩu.
Mỹ cấm mua bán nợ của Venezuela trong lệnh trừng phạt mới |
Khó khăn càng chồng chất
Giá dầu thô Brent, với kỳ vọng lên giá vì lệnh cấm vận của Mỹ, đã tăng 0,9% lên 79,22 USD/thùng, gần mức đỉnh 80,50 USD được thiết lập trong tuần trước. Chỉ số West Texas Intermediate (WTI) tăng 1,4%, đạt mức cao nhất trong vòng hơn ba năm trở lại đây là 72,41 USD/thùng.
Sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ, trái phiếu Venezuela được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao dịch, nhưng hiện tại, giá cả chưa thấy biến động gì đáng kể. Venezuela cũng chưa có phản ứng chính thức nào.
Việc Mỹ cấm nhận thế chấp bất kỳ tài sản nào mà Venezuela chiếm cổ phần chi phối được cho là nhằm vào Citgo, một cơ sở lọc dầu và bán lẻ xăng có trụ sở Mỹ mà Venezuela dùng 49,9% cổ phần tại đây để thế chấp khoản vay 1,5 tỷ USD từ tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga.
Đối với các khoản phải thu, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 60 tỷ USD để đổi lấy dầu mỏ trong tương lai. Một quan chức Mỹ cho biết các giao dịch như vậy không bị cấm, nhưng nếu họ “giao dịch thông qua hệ thống tài chính Mỹ, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn”.
Lệnh cấm mà Tổng thống Trump mới ký, cũng giống như lệnh trừng phạt của Mỹ trước đó đối với các giao dịch với Iran, áp dụng đối với bất kỳ “cá nhân, tổ chức nước ngoài nào muốn mua các khoản phải thu và lợi dụng các định chế Mỹ để làm điều đó”, vị quan chức này nói thêm.
Trong khu vực tư nhân, các công ty dịch vụ dầu mỏ như Halliburton và Schlumberger cũng có hàng chục triệu USD các khoản phải thu đối với PDVSA, nhưng cả hai công ty gần đây đã gạch sổ tất cả.
Trong thời gian tới, các đối tác nước ngoài sẽ ít nhiều ngần ngại khi làm ăn với Venezuela và điều này hẳn sẽ tác động tiêu cực tới sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela, được dự đoán giảm khoảng một phần ba xuống còn 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.
Hải Châu