Trước đây, việc để lại tiền "tip" cho nhân viên phục vụ là một tập quán khá phổ biến và gần như là luật bất thành văn tại Mỹ. Giá trị tiền "tip" thường lên tới 10 - 20% giá trị của hóa đơn.
Tại thành phố Seattle, nơi mà quy định mức lương tối thiểu đã được tăng lên 15 USD/giờ làm việc bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng Tư vừa qua, nhà hàng hải sản của Ivar là một trong những nơi đầu tiên quyết định áp dụng chính sách không nhận tiền "tip". Thay vào đó, họ tăng giá thực đơn khoảng 21%. Bob C. Donega - Chủ tịch và đồng sở hữu nhà hàng - đã tính toán rằng với cách này, ông có thể tăng lương của tất cả mọi người.
Một nhà hàng khác là Dirt Candy tại Manhattan cũng áp dụng mức phí dịch vụ 20%. Giống như nhiều người chủ nhà hàng khác, bà Anma Cohen - chủ sở hữu của Dirt Candy- từ lâu đã muốn thu hẹp khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa những nhân viên trong nhà bếp và các nhân viên làm công việc ở phòng ăn. Trước đây, tiền thưởng của khách không được chia sẻ với các nhân viên nhà bếp, trong khi các khoản phụ thu và phí quản lý thì có thể chia đều cho tất cả mọi người.
Việc loại bỏ tiền "tip" cũng sẽ mang lại cho các chủ nhà hàng nhiều thuận lợi hơn trong việc thống kê tài chính, sổ sách. Hiện nay, quy định đánh thuế trên tiền "tip" ở mỗi bang đều khác nhau và khá lộn xộn và gây nhiều khó khăn cho công việc kế toán. Tiền "tip" cũng là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa các nhân viên. Một số thống kê đã chỉ ra rằng những nhân viên da màu thường nhận được ít tiền "tip" hơn so với nhân viên da trắng.
Tuy nhiên, ý tưởng không dùng tiền "tip" cũng gây ra một số lo lắng cho các nhà quản lý. Những người này e ngại nhiều thực khách sẽ chỉ thấy giá thực đơn tăng lên mà không biết rằng giá đó đã bao gồm cả tiền "tip". Họ cũng lo các nhân viên phục vụ tốt sẽ ra đi.
Dù vậy, dưới sức ép ngày một tăng của tiền lương, có lẽ người dân Mỹ sẽ dần dần phải thay đổi thói quen trả tiền "tip" của mình. Đó cũng là một cách để giảm sự bất bình đẳng.
Chí Hiếu