Trước đây, Mỹ từng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên thép Trung Quốc trong năm 2015 và 2016, nhưng điều này chỉ khiến thép của Trung Quốc tràn sang những quốc gia khác. Giới ngành thép cho rằng các sản phẩm Trung Quốc đã được vận chuyển sang các quốc gia khác để né tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Cơ quan Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá là 199.76% và thuế chống trợ cấp là 256.44% lên lượng thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng các vật liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, thép chống ăn mòn từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là 199.43% và thuế chống trợ cấp là 39.05%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp cùng mức thuế suất chống bán phá giá và chống trợ cấp lên thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam - vốn làm từ thép cán nóng từ Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp trên được đưa ra cùng với lệnh áp thuế nhập khẩu 25% lên hầu hết thép nhập khẩu vào Mỹ - là kết quả của cuộc điều tra an ninh quốc gia theo “khoản mục 232” của chính quyền Donald Trump lên thép và nhôm nhập khẩu.
Mặc dù được sản xuất ở Việt Nam để làm thép chống ăn mòn và thép cán nguội sử dụng trong ngành xe hơi hoặc thiết bị gia dụng, nhưng Bộ Thương mại Mỹ cũng đồng tình với khiếu nại của các nhà sản xuất thép ở Mỹ rằng gần như tới 90% giá trị sản phẩm xuất phát từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sau khi áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép từ Trung Quốc trong năm 2015, lượng thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng vọt từ mức 9 triệu USD/năm lên 215 triệu USD/năm, trong khi thép chống ăn mòn từ Việt Nam vào Mỹ tăng từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD.
VH (Theo Reuters)