Điều này báo hiệu Mỹ sẽ có đòn trả đũa trong thời gian tới và rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt là hoàn toàn có thể.
Quy tắc WTO không đủ sức kiềm tỏa
Đó là nội dung quan trọng trong báo cáo thường niên của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Lâu nay, cơ quan này vẫn thường xuyên công kích hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, nhưng ngay lần đầu tiên phát hành dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo cáo của USTR đã nâng mức độ gay gắt đối với Bắc Kinh và là dấu hiệu gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ - ông Robert Lighthizer, cho rằng Trung Quốc đang làm suy yếu WTO, vốn được xem là nơi tụ hội của những nền kinh tế thị trường mong muốn mở rộng giao thương với quốc tế.
“Hệ thống thương mại toàn cầu đang bị đe dọa bởi các nền kinh tế lớn không muốn mở cửa thị trường để trao đổi buôn bán và tham gia một cách công bằng”, ông Robert nói.
Ông Lighthizer cũng khẳng định hành động của Trung Quốc “đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản của WTO”.
Đó là lý do vì sao USTR chua xót nhìn nhận việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm, khi cho rằng Mỹ bị “hớ” trong các điều khoản ràng buộc Trung Quốc và “các quy tắc của WTO không đủ mạnh để hạn chế hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc”.
Ông Lighthizer tuyên bố sẽ sử dụng các công cụ đơn phương bên ngoài WTO để cố gắng thay đổi hành vi của Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng điều này báo hiệu Mỹ sẽ có đòn trả đũa trong thời gian tới và rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt là hoàn toàn có thể.
Một quan chức Nhà Trắng từng nói các vấn đề “mang tính hệ thống” ở Trung Quốc, như chính sách công nghiệp và sở hữu trí tuệ đang làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và đó sẽ là những chủ đề chính trong kế hoạch công tác của chính phủ Mỹ năm 2018.
Điển hình nhất là đánh giá hệ quả từ việc nhập khẩu thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời “Made in China” đối với doanh nghiệp trong nước, hay vụ xâm hại tài sản trí tuệ của Intel...
Phía Nhà Trắng cũng cho biết mặc dù đã nhiều lần trao đổi với Trung Quốc, nhưng nước này vẫn chưa thực hiện được lời hứa về chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường và tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, khiến khúc mắc giữa hai bên bị “dây dưa” quá lâu, cần sớm được giải quyết.
![]() |
Mỹ và Trung Quốc sẽ ăn miếng trả miếng về thương mại?
Nhiều cây gậy, ít cà rốt
Trong khi đó, Tổng thống Trump tiết lộ trong bài phát biểu liên bang của mình vào cuối tháng này, ông sẽ nói về các kế hoạch trong lĩnh vực thương mại và cách đối phó với Trung Quốc.
Ông cũng hé mở khả năng trừng phạt Trung Quốc (dưới dạng đánh thuế trả đũa...) vì gây sức ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ nếu muốn đầu tư kinh doanh ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Edward Alden - một thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận định thái độ ân hận của Mỹ vì trót ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO là khá “bất thường” và “trái ngược với quan điểm của các quan chức cao cấp Mỹ trong hai thập kỷ qua”.
Khi đàm phán việc Bắc Kinh gia nhập WTO, chính quyền Mỹ hồi đó dưới thời tổng thống Bill Clinton đã bị thuyết phục rằng việc có Trung Quốc trong WTO mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là ghi nhận sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc mà còn nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai.
Ông Chad Bown - cố vấn thương mại của cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng động thái mới nhất cho thấy chính quyền Trump sẵn sàng “tham chiến” thương mại với Bắc Kinh.
Ông Bown nói: “Mặc dù các chính quyền trước đây đều lo ngại Trung Quốc không chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây, song họ vẫn duy trì chiến lược cây gậy và cà rốt để khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục cải cách. Còn cho đến nay, chính quyền Trump chỉ toàn nghĩ đến những cây gậy”.
Hải Châu